Gần 10 năm kể từ chuyến về thăm quê hương đầu tiên, người nhạc sĩ với những bản tình ca: Mắt lệ cho người, Trên ngọn tình sầu, Như chiếc que diêm, Giọt lệ cho ngàn sau... mới có dịp gặp gỡ, tâm sự về cảm hứng và kỷ niệm trong các sáng tác của mình. Từ Công Phụng chia sẻ: "Cuộc đời mỗi chúng ta luôn hiện hữu với tình yêu. Trải qua bao năm tháng, đó vẫn là cảm xúc chính tôi luôn bày tỏ và chia sẻ với khán giả trong tất cả tác phẩm của mình".
Ở tuổi 18, giọng hát trầm ấm Từ Công Phụng qua sáng tác đầu tay Bây giờ tháng mấy từng làm thổn thức biết bao nam, nữ học trò trường Văn khoa Sài Gòn. Lần trở lại này, nhạc sĩ cũng dùng chính cảm xúc trong bước đi đầu tiên ấy để khởi đầu câu chuyện âm nhạc. 45 năm trôi qua, câu tự vấn "bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?" vẫn đủ sức làm lay động lòng người, khiến tràng pháo tay không hẹn mà đồng loạt vỡ òa.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng. Ảnh: Kiến Huy. |
Nhạc sĩ Từ Công Phụng sinh tại Văn Lâm, Ninh Thuận, là cử nhân luật. Bắt đầu viết nhạc từ năm 1960, sang định cư tại Mỹ vào năm 1980. Năm 2003, mười ca khúc của Từ Công Phụng đã được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam: Mắt lệ cho người, Trên tháng ngày đã qua, Như ngọn buồn rơi, Tình tự mùa xuân, Đêm không cùng, Giọt lệ cho ngàn sau, Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Mùa thu mây ngàn, Lời cuối và Kiếp dã tràng. Nhạc sĩ về thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 1998. 10 năm sau, ông mới trở lại với tư cách nghệ sĩ. |
Nếu sự chia sẻ trong âm nhạc đạt mức cao nhất ở những lúc buồn thì âm nhạc của Từ Công Phụng là người bạn đồng hành tuyệt vời. "Hạnh phúc là khi nỗi lòng mình được nói hộ. Ít nhất một lần, những ai đã nghe và cảm thấy lòng chùng trước câu hát 'Gom một chút nắng vàng. Hắt lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua. Em nhìn thấy chút gì. Có phải chăng rạn vỡ trong tâm hồn chúng ta' thì đó là sự chia sẻ lớn lao", Trang Quỳnh, một khán giả trẻ yêu nhạc của ông, bày tỏ.
Một cách âm thầm, từng lời hát của ông như chiếc chìa khóa bật mở những "hộp âm kỷ niệm", để mỗi khi giọng hát cất lên, cả người hát lẫn người nghe đều như sống lại một phần đời trong ký ức. Ông kể, mùa mưa 1968, chuyến viếng thăm của cô người yêu khơi dậy cảm hứng sáng tác ca khúc Mưa trên ngày tháng đó, rồi ông hát. Thật trùng hợp khi mưa ngoài trời cũng bay làm cảm xúc của đêm thêm trọn.
Cũng có lúc ưu phiền, nhạc sĩ muốn rời xa, thoát khỏi cuộc sống. Ông tìm đến một nơi mà ông gọi là "xứ thâm trầm" để âm thầm sống. Ông viết "sẽ không còn ngàn kiếp truân chuyên và hết nhân duyên, tôi trở về kết đọng linh hồn làm mặt đá xây hồ lãng quên". Thế nhưng, sự hụt hẫng nơi ông chưa bao giờ là đau đớn đến tuyệt vọng, bởi ông luôn quan niệm "tình yêu là vĩnh cửu" và vẫn muốn sống trọn vẹn với chính mất mát của mình. Mãi mãi bên em, ca khúc mới nhất của Từ Công Phụng, đã thay ông bộc bạch lòng mình.
Nhiều khán giả thấy tiếc vì thiếu đi giọng hát của nam danh ca Tuấn Ngọc, người được Từ Công Phụng cho là hát hay nhất tác phẩm của mình. Nhưng đó không là vấn đề bởi trước sự tán thưởng không ngừng của tất cả khán giả có mặt tại phòng trà Văn Nghệ (TP HCM) trong buổi đầu tiên ra mắt, cùng 4 đêm nhạc sắp tới (8-11/5) cũng tại phòng trà này, chắn chắn nhạc sĩ Từ Công Phụng sẽ còn xuất hiện và hoạt động nhiều hơn tại Việt Nam.
"Sự hưởng ứng và tình cảm của khán giả là động lực to lớn để người nghệ sĩ hăng hái hoạt động và trở về", nhạc sĩ nói.
Nhiêu Huy