TAND TP HCM hôm 3/12 đã mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là ông Trần Quyết Lập (nghệ danh Trần Lập) và bị đơn - Công ty Cổ phần VNG (có trụ sở tại quận 11, TP HCM).
Theo nội dung đơn kiện, ông Lập cho biết là tác giả, chủ sở hữu bài hát và bản ghi âm bài hát Đường đến vinh quang. Tuy nhiên, ông phát hiện Công ty VNG đã sử dụng bản ghi âm này đăng trên website mp3.zing trong một thời gian dài cho công chúng nghe nhạc trực tiếp và tải bài hát này về. Vào tháng 7/2013, ông đã lập vi bằng về bằng chứng này.
Trước khi khởi kiện, tác giả thông qua luật sư của mình liên hệ với phía Công ty VNG đàm phán về việc trả thù lao nhưng công ty này từ chối. Từ đó, ông đã kiện ra tòa yêu cầu đòi bồi thường tổng số tiền hơn 150 triệu đồng gồm các khoản: nhuận bút (hơn 55 triệu đồng), bồi thường lợi nhuận bị thiệt hại do không tiếp tục phát hành được album mới có bài hát này (50 triệu đồng) và chi phí thuê luật sư 50 triệu đồng.
Theo nguyên đơn, khi tiến hành hoạt động kinh doanh, phía VNG có hay không việc thu tiền đối với mỗi lượt nghe và tải bản ghi âm bài hát của ông thì đều phải có nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, người biểu diễn và chủ sở hữu.
Số tiền thù lao phía nhạc sĩ Trần Lập đưa ra dựa trên “Biểu mức thu phí sử dụng tác phẩm âm nhạc” được áp dụng tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (300 đồng/bài hát/lượt tải nhân cho số lượng xem tải tính đến ngày lập vi bằng). Và mức tiền thù lao này được tính bằng 1/10 biểu mức thu phí nói trên.
Còn khoản tiền thiệt hại được nguyên đơn tính dựa trên lợi nhuận thu được sau khi trừ đi chi phí sản xuất, thuế và thù lao dành cho ban nhạc. Mức lợi nhuận này chỉ tương đương khoảng 30% tổng doanh thu từ việc phát hành album mới.
Tại phiên tòa, Công ty VNG cho rằng không vi phạm nên không đồng ý trả tiền bồi thường và "nguyên đơn đã xác định không đúng đối tượng khởi kiện". Công ty này lý giải, trang mạng mp3.zing do mình sở hữu và quản lý nhưng với mục đích cùng nghe cùng chia sẻ các bài hát. Bản ghi âm bài hát trên là do một người dùng đăng lên chứ không phải do công ty. Những người là thành viên của trang mạng này đều được quyền đăng các bài hát lên và người dùng thì chỉ được nghe hoặc xem. Tất cả dịch vụ này là miễn phí, công ty chỉ kinh doanh nhạc số thu phí từ nguồn khách tải bài hát làm nhạc chờ, nhạc chuông.
Theo đó, phía VNG không đồng ý trả khoản tiền bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn, đề nghị nghệ sĩ Trần Lập rút đơn kiện và ký hợp đồng hợp tác với công ty. Số tiền bản quyền mà công ty hiện vẫn trả là 8.000 đồng/tháng/bản nhạc khi ký hợp đồng với các tác giả.
Không chấp nhận quan điểm này, luật sư của nguyên đơn cho rằng Công ty VNG không thể nói "do người dùng tự đăng tải lên để sử dụng và cung cấp nguồn thông tin đến người dùng khác" một cách vô tội vạ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác. Bị đơn là quản lý của trang mạng xã hội này nên hoàn toàn có thể can thiệp việc cho đăng tải, gỡ bỏ các bài hát, bản nhạc. Còn 8.000 đồng/tháng/bản nhạc trả cho nhạc sĩ là mức phí "rất đau lòng". Từ đó, nguyên đơn đề nghị tòa buộc VNG phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu bản nhạc.
Sau phần tranh luận, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 10/12.
Hồi tháng 8, ca sỹ Đăng Khôi - Giám đốc Công ty Việt Giải Trí - cũng gửi đơn lên TAND TP HCM khởi kiện công ty Cổ phần VNG vì cho rằng công ty này đã vi phạm bản quyền gần 10.000 ca khúc nhạc Kpop của khoảng 700 nghệ sỹ Hàn Quốc do Việt Giải Trí được ủy quyền sử dụng hợp pháp tại Việt Nam. Tại thời điểm đó, tòa đã nhận hồ sơ và tiến hành các thủ tục để thụ lý vụ kiện.
Trước đó, vào năm 2012 một số công ty nước ngoài đã rút quảng cáo trên trang web của Zing do đơn vị này đăng tải nhiều bài hát trong nước và quốc tế mà không có bản quyền.
Hải Duyên