Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, một trong những học trò của ông, cho biết sức khỏe nhạc sĩ suy yếu mấy năm qua, khiến ông ít hoạt động nghệ thuật.
Năm 2004, nhạc sĩ Thao Giang thuyết phục nhiều người có chung đam mê, cùng hồi sinh môn nghệ thuật truyền thống. Khác với xẩm làng quê của nghệ nhân Hà Thị Cầu, nhạc sĩ Thao Giang chú trọng vực dậy dòng xẩm của Hà Nội.
Nhờ nỗ lực của ông, xẩm được trình diễn lại ở Liên hoan Tiếng hát dân ca năm 2005 sau nhiều năm vắng bóng. Ông cùng Giáo sư Phạm Minh Khang bỏ tiền túi thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, với mục đích sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy, đào tạo, biểu diễn, giới thiệu nhạc truyền thống. Trước đó, ông mất gần 20 năm nghiên cứu, sưu tầm bài xẩm từ các nghệ nhân dân gian khắp tỉnh thành thông qua phương pháp điền dã.
Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhớ lần đầu tiên gặp nhạc sĩ Thao Giang cuối năm 2004, tại Nhà xuất bản Âm nhạc. Ông nói: "Nếu chúng ta không chung sức thì trong tương lai, nghệ thuật xẩm của cha ông cũng không còn".
Ông tập hợp nhiều nghệ sĩ tài năng như Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Tự Cường, Thúy Ngần, Đoàn Thanh Bình, Văn Ty, Phạm Minh Khang, Hạnh Nhân, tham gia biểu diễn, truyền dạy cho lớp trẻ. Ông sáng tạo chương trình Hà thành 36 phố phường, diễn ra vào các tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trong phố cổ Hà Nội.
Nhạc sĩ phát hành CD Xẩm Hà thành, làm lễ giỗ tổ nghề xẩm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đứng sau chương trình Đêm hát xẩm và trống quân mừng quân Mậu Tý 2008 ở Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhà phê bình Nguyễn Quang Long nói: "Nhạc sĩ Thao Giang là người đấu tranh để xẩm có vị trí tương đương như ca trù, quan họ, cải lương, bài chòi, ca Huế".
Với học trò, ông tận tình chỉ dạy nhiều điều trong âm nhạc và cuộc sống. Bà Mai Tuyết Hoa nhớ mỗi buổi biểu diễn, ông đều đứng phía sau sân khấu, lo hậu đài, ánh sáng, chăm chút từng nghệ sĩ.
Nhạc sĩ sinh năm 1948 ở Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội, là giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông vừa nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với hai tác phẩm: Kể chuyện ngày mùa và Tình quê hương.
Trong quá trình giảng dạy, ông biên soạn nhiều giáo trình cho đàn nhị. Ông cũng sáng tác cho một số nhạc cụ dân tộc như: Hương rừng (đàn Tam thập lục), Ao cá Bác Hồ (đàn tranh), Du thuyền trên sông Hương (đàn bầu), Đường xa vui những tiếng đàn (đàn tỳ bà). Nhạc sĩ còn là thầy của nhiều nghệ nhân đàn nhị nổi tiếng như Thế Dân, Đình Nghi, Sĩ Toán, Văn Hà.
Hà Thu