- Ông thấy Hà Nội mùa này thế nào?
- Tôi không nhìn Hà Nội bằng mắt mà nhìn bằng trái tim nên Hà Nội vẫn thế.
- Chuyện tình cảm của ông độ này ra sao?
- Đến nay, tôi vẫn chỉ có một mình. Không phải chỉ phụ nữ thôi đâu mà ngay cả rất đông bạn bè nhưng tôi cũng cảm thấy đang rất thiếu. Nhiều phụ nữ quen biết tôi, tôi vẫn không có tình yêu. Vấn đề ở chỗ không phải họ yêu mình mà là họ có làm cho mình yêu họ hay không.
|
Nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: Anh Tuấn |
- Đó là bệnh kiêu hay là bệnh của người già vậy?
- Chẳng có bệnh tật gì hết. Mệnh tôi có sao cô thần, tôi là người cô đơn bẩm sinh. Sinh ra đã phải chịu cô quả. Nếu vui vầy hạnh phúc sẽ không hợp tuổi. Và nếu không như vậy chắc chắn không có một nhạc sĩ Thanh Tùng hôm nay.
- Ông thấy mình được nhiều hay mất nhiều?
- Cuộc đời nào cũng thế. Được bao nhiêu mất bấy nhiêu. Hãy nghĩ xem người đàn ông thành đạt để làm gì, tài năng để làm gì?
- Nhưng người thành đạt và tài năng được nhiều hơn mất. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Những thứ đấy thì làm được gì cho cái con người ấy. Một người thành đạt bao giờ cũng muốn thành đạt thêm nữa. Muốn như vậy, người ta phải bỏ ra nhiều thì giờ, công sức, phải có một cuộc sống dị biệt. Đối với tôi, điều ao ước lớn nhất ngay bây giờ đây là muốn trở thành một người bình thường.
- Người ngoài nhìn vào mơ ước được như ông, ông lại không thích. Ông là người không bao giờ bằng lòng với chính mình?
- Tôi không muốn cái gì hơn nữa cả. Tôi muốn sống bình thường. Ngày xưa vợ chồng tôi sống cũng không phải là hạnh phúc lắm đâu, cũng có tất cả cãi vã, giận dỗi. Đã có mấy chục lần muốn ly dị với nhau nhưng nó không hội tụ đủ các yếu tố để ly dị. Thí dụ người này ký, người kia không. Lý do của sự dằng dai chằn bặt là muôn trùng, không thể nói hết được.
- Người đàn bà nào yêu ông nhất?
- Vợ tôi.
- Còn ông yêu người đàn bà nào nhất?
- Vợ tôi. Từ khi cô ấy mất, tôi yêu nhất là đứa con gái út. Nó cũng là người thương tôi nhất.
- Với ông, phụ nữ là gì?
- Không phải chỉ riêng tôi mà với tất cả đàn ông, phụ nữ không bao giờ có thể thiếu được trong cuộc đời.
- Vậy sao đến giờ ông vẫn độc thân?
- Thế mới gọi là cuộc đời.
- Người đàn bà được mệnh danh là mỹ nhân của Việt Nam mới đây thổ lộ trên báo rằng "Cuộc tình này qua nhanh lắm. Vì tôi nhận ra cuộc sống người nhạc sĩ này không giống như âm nhạc của anh ấy". Ông cảm thấy thế nào khi nghe cô ấy nói vậy?
- Người con gái đó, tôi rất ngưỡng mộ về sắc đẹp nhưng yêu thì không. Chưa bao giờ.
- Trong gia đình, ngoài ông còn ai theo nghệ thuật?
- Nhà tôi có hai người làm nghệ thuật. Một người bỏ làm nghệ thuật là vợ tôi. Nhiều đời trong dòng họ tôi không có ai làm nghệ thuật, gia đình tôi mấy đời trước các cụ làm chính trị. Thân phận tôi không thể giống các cụ sinh ra trong dòng họ. Tôi là một thân phận riêng biệt vì vậy có một nghề riêng biệt và một sự nghiệp riêng biệt. Các con tôi không có đứa nào theo nghiệp của cha nó.
- Trong làng âm nhạc, nhạc sĩ nào làm ông phục sát đất?
- Xã hội có nhiều người thông minh. Nhưng người thông minh có tấm lòng nhân hậu thì không nhiều. Văn Cao và Trịnh Công Sơn là hai tài năng và thân phận đặc biệt. Tài năng đầu tiên chỉ là sự biểu hiện một thân phận đặc biệt, nhưng có khi vì tài năng làm cho thân phận của mình trở nên khốc liệt hơn. Nó là một cái vòng. Văn Cao có thân phận của Văn Cao. Trịnh Công Sơn có thân phận của Trịnh Công Sơn. Hai người này tôi rất kính trọng và yêu thương. Tôi cho rằng, tôi hiểu về họ.
- Ông thường xuyên tiếp xúc với các ca sĩ trẻ đẹp. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đấy là chuyện một ngọn lửa, một đống rơm. Chứ nhiều đống rơm thế thì biết bắt vào đâu, vào chỗ nào. Cháy tất à? Lại mang tiếng là tham.
- Ông nghĩ người đàn ông như thế nào sẽ hấp dẫn phụ nữ?
- Có một câu nói như thế này mà tôi không nhớ của ai "đối với người phụ nữ, từ sự kính trọng sang tình yêu nó chỉ có nửa bước chân". Điều quan trọng nhất của người đàn ông là đừng bao giờ để người phụ nữ coi thường, phải để họ kính trọng. Cơ sở quan trọng nhất của sự kính trọng là lòng tin. Nếu bước chân đầu tiên của tình yêu là lòng kính trọng thì bước chân đầu tiên của lòng kính trọng là sự tin tưởng. Người đàn ông luôn phải cố gắng để đạt được sự tôn trọng đó.
- Liveshow xuyên Việt lần này của ông nhằm mục đích gì?
- Đối với tôi, chuyến đi xuyên Việt lần này không nhằm mục đích kinh doanh. Mà tôi nghĩ cũng chẳng dễ kinh doanh trong cái thời điểm này. Không tin thì nhạc sĩ nào thử đi một chuyến như tôi đi. Một chuyến liveshow, tôi không nói xuyên Việt, chỉ một điểm, làm thử xem.
- Vậy liveshow của ông lãi hay lỗ?
- Chắc chắn là lỗ. Tôi đi xuyên Việt, tôi đàn tôi hát, đào tạo ra một thế hệ học trò mới. Tôi thử nghiệm cái dòng âm nhạc của tôi có còn được tồn tại lưu ý, có còn được quan tâm hay không. Đây là một cuộc chơi mang tính lãng mạn. Ở Việt Nam tôi biết chưa có liveshow xuyên Việt của bất cứ nhạc sĩ nào. Nhưng với tôi đây là lần thứ hai. Lần này tôi sẽ đi khắp, đi tất. Biết đâu đây là sự lãng mạn cuối cùng và sẽ không bao giờ còn có lần thứ ba.
- Ông làm thế nào để lo kinh phí cho chuyến xuyên Việt này?
- Tôi chắc chắn không bỏ ra một đồng nào hết trong chuyến liveshow này. Sự quan tâm ủng hộ của quần chúng, của những nhà kinh doanh với âm nhạc của tôi sẽ là giải pháp kinh tế. Tất cả sẽ có tài trợ. Và chỉ cần như thế, tôi hiểu rằng không nên bỏ cuộc chơi này, tôi chấp nhận sự mạo hiểm, nhưng sự mạo hiểm này rất lãng mạn.
(Theo Gia Đình Hạnh Phúc Lứa Đôi)