"Bố tôi chuyển sang bệnh viện Bạch Mai từ hơn một tháng trước, tình hình khả quan hơn, có ngày ông khỏe lên. Tuy nhiên, ông vẫn phải thở máy. Thỉnh thoảng, các bác sĩ để cho ông tập tự thở vài tiếng", chị Hương nói. Hiện Phú Quang lọc thận nhân tạo hai ngày một lần.
Bệnh viện hạn chế người nhà vào khu chăm sóc đặc biệt, chỉ vợ nhạc sĩ - bà Anh Thư - được vào thăm chồng khoảng 10 phút mỗi ngày. Nhạc sĩ Phú Ân - anh trai Phú Quang - buồn vì không được gặp em, chỉ biết hỏi thăm sức khỏe em qua các cháu. Để động viên tinh thần nhạc sĩ, gia đình đồng ý để bạn bè ông tổ chức đêm nhạc Phú Quang - Có một vài điều anh muốn nói với em - ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tối 9/7.
Trước khi nhập viện, dù sức khỏe không tốt, ông vẫn miệt mài làm việc. Ông đôi lúc đãng trí những việc thường nhật nhưng nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc. Ông vốn không thích ai hát sai lời, nhạc của mình. Vài năm nay, sức khỏe nhạc sĩ suy yếu, hầu như năm nào cũng nhập viện một, hai đợt. Ông được người vợ thứ ba chăm sóc tận tình.
Nhạc sĩ Phú Quang quê gốc Hà Nội, sinh năm 1949 ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội. Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Ngoài ra, ông có series Chuyện bình thường, lấy cảm hứng từ một người yêu cũ.
Nhạc sĩ từng chia sẻ ông chỉ sáng tác khi trái tim thực sự rung động. Nhạc phẩm của ông giàu cảm xúc nhưng có cơ sở nhạc lý vững chắc. Ông thần tượng các ông hoàng nhạc cổ điển như Chopin, Mozart, Tchaikovsky... Trong nước, ông ngưỡng mộ nhạc sĩ Hoàng Vân. Thanh Lam, Ngọc Anh 3A, Tấn Minh, Đức Tuấn, Lê Anh Dũng, Minh Chuyên... là những giọng ca gắn bó với ông.
Hà Thu