Nhạc sĩ Phan Nhân. |
- Theo ông, sự khác biệt giữa nhạc sĩ già và trẻ hôm nay là gì?
- Thời nào cũng cần tiền để sống, nhưng ngày xưa người ta không đề cao lắm chuyện kiếm tiền. Giữa cái viết, cái suy nghĩ, anh đừng để cái danh cái lợi thao túng.
Tôi không hẳn buồn lòng, mà là chán. Thấy sao mọi giá trị, quan hệ giữa người với người thế nào ấy, thiếu lòng nhân ái. Thấy cái mặt không ưa là đã có người xúm vào "đánh", hoặc "giết". Trong khi văn minh là phải đối thoại với nhau.
- Vì sao sự nghiệp một nhạc sĩ nhiều tâm huyết như ông lại chỉ vẻn vẹn dăm bảy ca khúc?
- Ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng viết ra khi tôi đã ở Hà Nội vào năm thứ 18. Đúng là tôi viết ít. Nhưng tôi nghĩ mình thuộc loại không tính về số lượng mà là chất lượng. Đó không phải do tính cầu toàn mà tôi thường xét bản thân đủ cảm xúc để viết một tác phẩm, và chính tác phẩm đó tác động lại người sinh ra nó có như ý hay không. Như ý ở đây chỉ có giá trị tương đối thôi.
- Ông nghĩ sao về công việc soạn lời trên nền nhạc?
- Ca từ phụ thuộc vào giai điệu. Như bài Hà Nội niềm tin và hy vọng tôi viết nhạc khi đang ở dưới hầm tránh B52 năm 1972, sau đó mới viết lời. Người ta nói khi phút xuất thần đến, không ai biết làm gì, sau đó mới hiểu. Tôi chỉ hiểu lúc đó mình làm việc với cái đẹp, làm sao phù hợp với tai nghe của mình, phù hợp điều mình suy nghĩ về đất nước lúc bấy giờ.
- Ca khúc đó được xếp vào một trong số những bài hát hay viết về Hà Nội. Ông thấy sao?
- Khi tiếc nhớ về một điều gì đó, một kỷ niệm gì đó, thì người ta thích viết theo kiểu "vô thức tập thể". Hà Nội bây giờ thay đổi nhiều lắm, làm sao có tiếng xe điện leng keng đi về, đã qua rồi thời của những tiếng còi báo động và tiếng bom rền. Và chính tôi cũng không hiểu mình làm sao dám bám trụ ở đó trong những ngày B52 bão lửa chỉ để viết cho được một ca khúc về Hà Nội. Xin hãy nói: Bài của ông Phan Nhân nhớ về Hà Nội nghe được, chứ không phải là rất hay.
Tôi viết để giải toả cảm xúc của chính mình. Và giải quyết những rối ren bằng sự thanh thản trong tâm hồn. Để có một câu thôi "Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau" tôi đã phải tìm chữ rất kỹ. "Không" hay là "chưa" cũng phải trằn trọc suốt đêm. Ý và lời phải hoà quyện với nhau.
- Còn nghe ca từ bây giờ thì sao?
- Viết để cho có, nguy hiểm là người ta không cần tác phẩm sống lâu. Mà cũng đúng thôi, những người già như chúng tôi không nên sống lâu chật đất. Nhưng khó chấp nhận những tác phẩm không chú ý đến tuổi thọ, hoặc người ta cho mình có quyền đề cao người này, tiêu diệt người kia. Viết, suy nghĩ dễ dãi là cách tự giết mình nhanh nhất.
- Điều gì khiến cho một nhạc sĩ phiền lòng?
- Là người hát ngắt nhịp bài hát của mình một cách ngớ ngẩn, thà đừng hát còn hơn. Hoặc nhiều ca sĩ hát sai nhạc be bét, nghe mà thấy sống dở chết dở.
- Bi kịch lớn nhất mà nhạc sĩ trẻ dễ mắc phải là gì?
- Chọn danh hão, phấn đấu để tự giết mình.
(Theo Lao Động)