Nhạc sĩ Phan Nhân. |
Sinh năm 1930 tại thành phố Long Xuyên, An Giang, từ nhỏ Phan Nhân đã tỏ ra là một cậu bé thông minh và có năng khiếu về nghệ thuật. Lên đến bậc trung học, xa gia đình lên Cần Thơ trọ học, những lúc buồn ông lại cùng bạn bè nghêu ngao vài câu hò Nam Bộ chân chất, mộc mạc để vơi đi nỗi nhớ nhà. Tốt nghiệp xong, theo tiếng gọi của quê hương, ông gia nhập quân ngũ, tham gia kháng chiến chống Pháp và cũng chính trong môi trường đó, Phan Nhân đã tập tành sáng tác như một nhạc sĩ nghiệp dư.
Trong những cuộc liên hoan giao lưu của đơn vị, anh lính trẻ Phan Nhân thường tham gia góp vui bằng những bài hát do chính mình sáng tác và được cổ vũ nhiệt tình. Bài Tiếng tơ lòng là cột mốc đánh dấu con đường sáng tác chuyên nghiệp của ông. Ca khúc này đã ra đời trong những đêm trăng thanh bên bờ suối trên đỉnh Cấm Sơn khi cùng đơn vị đóng quân ở Long Châu Hà, Thất Sơn. Tình cảm chân thật của người lính đóng quân trên núi khi nhớ về đồng bằng, về nơi có người thân mình đang sinh sống, được ông thể hiện với từng lời ca, giai điệu rất mộc mạc.
Năm 1954, nhạc sĩ Phan Nhân chuyển về Đoàn Tuyển văn công Nam Bộ rồi tập kết ra Bắc. Ông nhiệt tình tham gia mọi hoạt động nghệ thuật từ sáng tác, múa, hát đến đóng kịch... Năm 1959, chuyển về công tác tại Đài Tiếng nói VN, với tư cách là một biên tập viên kiêm phóng viên, ông được đi rất nhiều nơi. Mỗi chuyến đi đối với ông như là một lần được tiếp thêm sức mạnh, bởi ông được gần gũi với những tiếng nói, kho tàng dân ca của các dân tộc... Dù sinh ra và lớn lên ở Nam Bộ, nhưng ông rất mê những làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, chèo và cả quan họ Bắc Ninh...
Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với nhạc sĩ Phan Nhân là có được một người bạn đời - NSƯT Phi Điểu - một giọng nữ Nam Bộ ta thường được nghe thấy trong mục Đọc truyện đêm khuya của Đài tiếng nói VN và Đài tiếng nói nhân dân TP HCM. Bà là người phụ nữ biết hy sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho chồng sáng tác, bởi bà hiểu và cảm thông với sự nghiệp âm nhạc của ông. Hơn nữa, đối với nhạc sĩ Phan Nhân, NSƯT Phi Điểu còn là một đồng tác giả giấu tên trong những tác phẩm của mình. Mỗi bài hát của ông ra đời là bà trở thành khán giả đầu tiên, vừa nghe vừa góp ý. Nhạc sĩ Phan Nhân còn sáng tác rất nhiều những ca khúc dành cho thiếu nhi: Chú ếch con, Hàng cây ơn Bác, Vườn cây của Ba... Theo ông, sáng tác nhạc thiếu nhi rất khó bởi tác giả phải biết hóa thân và tinh chế cho phù hợp với tâm hồn trẻ thơ, biến lý trí khô khan thành tình cảm thì các em mới cảm thụ được.
Ông tâm sự: "Tôi vẫn luôn cố gắng hết mình trong công việc, đó là điều chứng tỏ mình vẫn còn có ích cho cuộc đời. Chứ là nhạc sĩ mà không còn sáng tác được thì buồn lắm. Một nhà thơ người Nga đã từng nói đừng chết trước lúc lìa đời, tôi không muốn mình sẽ rơi vào hoàn cảnh ấy".
(Theo Văn Hóa Nghệ Thuật)