![]() |
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. |
- Ông nghĩ sao khi các bạn bè của mình nói thời trai trẻ Phan Huỳnh Điểu rất đa tình?
- Thời trai trẻ yêu cũng nhiều nhưng yêu theo từng cung bậc. Trước khi có gia đình, mình yêu theo một cách, sau khi có gia đình yêu theo cách khác. Tình yêu không hẳn phải sống với nhau mới là yêu, mà chỉ cần một ánh mắt, một cử chỉ cũng đủ biết rằng "đối phương" có cảm tình như thế nào với mình. Không riêng gì nghệ sĩ mà người thường cũng có được cảm giác này, nhưng "nghệ sĩ" thì "nhạy" hơn.
- Nhiều ý kiến cho rằng nhạc sĩ yêu nhiều thì sáng tác hay hơn, ông nghĩ sao?
- Đúng vậy! Tuy nhiên, nhạc sĩ cũng phải biết hư cấu và hư cấu giỏi. Nếu như để đợi thất tình mới viết được một bài hát day dứt, tha thiết thì rất khó. Nhạc sĩ cũng cần đọc nhiều truyện tình cảm (có cả truyện thất tình) để hư cấu thêm cho sống động.
- Với bài hát "Trầu cau" đầu tay, ông hư cấu từ tình cảm như thế nào?
- Bài Trầu cau với tôi rất nhiều kỷ niệm, lúc đó tôi mới 19-20 tuổi, đi xem vở Tục lụy của nhóm ca kịch Hà Nội biểu diễn tại Đà Nẵng. Sau khi xem kịch, tôi nhớ đến câu chuyện Trầu cau của nước ta và cứ thế viết ra.
- Cảm xúc của ông từ ngày đầu viết nhạc và cho đến bây giờ, lúc nào khó hơn?
- Bây giờ khó hơn rất nhiều so với ngày đầu, vì càng biết luật càng khó viết, nhất là các ca khúc có tính chính trị. Người nhạc sĩ nếu biết chuyển từ đề tài chính trị qua nghệ thuật nhuần nhuyễn thì mới dễ đi vào lòng người nghe.
- Là một nhạc sĩ từng nghe rất nhiều câu dân ca, bài hát từ tuổi thơ đến lúc trưởng thành, điều đó có ảnh hưởng thế nào trong sáng tác của ông?
- Tất nhiên là có ảnh hưởng. Bản thân tôi rất thích lời ru của mẹ. Lời mẹ tôi ru con cất lên rất hay. Tôi nhớ rõ lúc lên 7 tuổi, mẹ tôi thường hát và ru em ngủ, đã in đậm trong lòng tôi. Khi lên 14-15 tuổi, thì tôi chứng kiến giai đoạn đất nước giao thời (1920-1930). Lúc này, rất nhiều làn điệu dân ca, chèo, hò, cải lương phát triển nên ít nhiều tôi cũng bị ảnh hưởng. Còn các ca khúc hiện đại thì chỉ có nhạc Pháp. Lúc đó, tôi học tiếng Pháp và bài hát Cuộc đời vẫn đẹp sao tôi cũng bị ảnh hưởng từ ca khúc La vie est belle (Đời là đẹp).
- Như vậy có thể gọi là sao chép nhạc?
- Ảnh hưởng từ 5-10-20% thì có thể chấp nhận được. Tôi nghe báo chí lên tiếng gần đây có nhạc sĩ viết bài giống đến 60-90% thì thật buồn quá. Sáng tác phải xuất phát từ tâm hồn mình. Còn những ca khúc phát triển từ dân ca, từ hát chèo, hò thì không gọi là "đạo". Một bài hát dựa trên dân ca phát triển thành hiện đại là phù hợp định hướng. Nếu như các bạn nghe bài Bóng cây kơnia có vẻ giống với các bài Tây Nguyên, nhưng nghe rõ thì không giống bất kỳ bài nào. Ví dụ như mật ong mà pha rượu thì không nhìn ra đâu là rượu, đâu là mật ong.
- Có nhạc sĩ nói rằng vì nghe nhạc nhiều quá nên bị "nhập tâm" và thế là viết ra giống 60-90%, ý kiến của ông thế nào?
- Nhập tâm chỉ là từ che đậy. Nhập tâm thì chỉ một câu, một ý chứ giống hơn phân nửa bài thì sao gọi là nhập tâm?
- Theo ông thì trong sáng tác làm thế nào để không bị trùng lắp với bất kỳ ca khúc nào?
- Phải từ cảm xúc của mình, hoặc tự động não để tìm ra cảm xúc, gợi cảm xúc từ đâu đó để ra cái của mình. Bằng mọi cách phải tìm ra giai điệu của riêng mình.
- Ông nghĩ gì khi về hiện tượng đạo nhạc hiện nay?
- Thanh niên bây giờ có xu hướng yêu nghệ thuật và có người đã đi theo nghệ thuật. Tuy nhiên, đi theo nghệ thuật chân chính không phải dễ mà bản thân phải tự rèn luyện, học tập, tự động não để tìm cảm xúc cho mình. Nghe nhiều, đọc nhiều nhưng không phải bắt chước. Học tập theo người đi trước thì hay hơn, kể cả thế hệ đi sau và những bạn bè đồng nghiệp. Bản thân tôi cũng học được ở Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Thanh Tùng... nhiều điều hay. Nhạc sĩ trẻ rơi vào con đường không hay này là do muốn có danh, mà có danh thì có lợi.
(Theo Thanh Niên)