![]() |
Ca sĩ Nhất Sinh (trái). |
- Học thanh nhạc ở Trường Âm nhạc Huế, vậy điều gì đã giúp anh có được nhiều sáng tác hay?
- Trước đây, tôi đã thi đậu hệ đại học sáng tác Nhạc viện TP HCM, nhưng do hoàn cảnh kinh tế lúc đó quá khó khăn nên không thể theo học được. Song sáng tác vẫn là niềm đam mê của tôi, bởi tôi rất thích hát những giai điệu do mình viết, ở đó tôi như bày tỏ được những xúc cảm và nỗi niềm riêng của mình…
- Phải chăng “Chim sáo ngày xưa” là một nỗi niềm riêng?
- Đúng vậy. Bài hát này tôi viết về mối tình đầu của mình. Ngày đó mới lớn, tôi có yêu một người con gái cùng thôn, yêu mà không dám ngỏ lời, chỉ tỏ bày bằng ánh mắt, để một ngày có người hỏi cưới đưa em về bên kia sông, mình thì đứng ngẩn ngơ… Đến lúc ấy mới mượn hình ảnh chim sáo sang sông để bày tỏ nỗi lòng.
- Là nhạc sĩ và ca sĩ gắn bó với dân ca, anh có nhận định gì về lớp trẻ hôm nay với dòng nhạc này?
- Dân ca là thể loại âm nhạc có nền tảng, giai điệu qua bao đời đã được chắt lọc, định hình, sâu lắng ở phần hồn. Có thể lúc này, lúc khác, song dân ca vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống. Trước trào lưu âm nhạc hiện nay, đôi khi có cảm giác như dòng nhạc này bị lãng quên, nhưng theo tôi không hẳn như vậy. Tôi nhận thấy những sáng tác được phát triển theo làn điệu dân ca có nội dung về tình yêu đôi lứa trong sáng, nhẹ nhàng luôn được người nghe nhớ lâu.
- Lâu nay người nghe có vẻ như ít thấy những sáng tác và sự xuất hiện của anh?
- Mình đâu còn trẻ trung gì, nên việc không còn thường xuyên xuất hiện trên những sân khấu ca nhạc cũng là điều bình thường, chỉ mong người nghe còn nhớ đến tên là hạnh phúc rồi. Bây giờ chủ yếu là dành thời gian cho sáng tác, nhưng ở lĩnh vực này cũng có chuyện đáng buồn, là gần đây có không ít hãng sản xuất băng đĩa đã làm ăn thiếu tế nhị với các nhạc sĩ. Điều này khiến tôi không mặn mà lắm trong việc phổ biến những sáng tác của mình.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)