Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam. |
- Từ nguồn cảm hứng nào ông viết nên bản giao hưởng số 8 "Quê hương đất nước tôi"?
- Ý tưởng xuất phát từ một ngày xuân, trở về thăm quê xưa, "bị" những người bạn cùng quê nói khích: "Nguyễn Văn Nam viết nhiều giao hưởng nhưng chưa viết cho quê hương bản nào!". Tưởng là đùa, nhưng sau đó anh Châu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tiền Giang, "đặt hàng" tôi. Thật ra tôi nung nấu ý tưởng sẽ viết một bản giao hưởng cho quê hương từ lâu rồi. Tôi là người Tiền Giang, vì thời cuộc, vì nhiệm vụ, xa quê hương đã quá nửa đời người. Mỗi lần đứng trước dòng sông nào cũng ngỡ như dòng sông Tiền quê mình mà rưng rưng nước mắt.
Bản giao hưởng số 8 được viết trong một năm, gồm 4 chương (Giới thiệu thiên nhiên miền Tây, Nhớ lời mẹ ru, Những trưa mùa hè hoa phượng nở, Đất nước quê hương tôi yêu thương...). Mỗi chương mang một sắc thái cảm xúc riêng. Tôi gửi gắm vào bản giao hưởng này không chỉ là tình cảm của mình mà của cả những người con xa quê khác. Như trong chương IV, tôi đã đưa cả hợp xướng vào để "tổng lực" đẩy mạnh cao trào tình cảm với điểm nhấn là lời hát solo do nghệ sĩ Thu Giang trình bày: "Hỡi ai... cho dù đi xa, nhớ chăng câu hát mẹ ru, mẹ ru, mẹ hát ơ... ầu... ơ...".
- Hầu như các tác phẩm của ông, dù lớn hay nhỏ, đều có chủ đề về quê hương đất nước và được ông đầu tư ở thể loại giao hưởng?
- Bản giao hưởng đầu tiên ở Việt Nam, được viết và dàn dựng trong thập niên 1960, của nhạc sĩ Hoàng Việt cũng chính là bản giao hưởng chủ đề Quê hương. Viết về quê hương và viết cho quê hương là một hạnh phúc lớn của những người nghệ sĩ. Hầu như các tác phẩm của tôi đều mang âm hưởng của những làn điệu dân ca, hát ru của miền Tây sông nước. Tuy nguồn cảm hứng sáng tác chủ đạo của tôi là một nhưng ở mỗi tác phẩm, từng cung bậc tình cảm đều rất khác nhau chứ không trùng lặp, đi theo lối mòn.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam bên bàn sáng tác. |
Tôi rất thích sáng tác ở thể loại giao hưởng. Tuy đây là một thể loại khó (khó ở công đoạn sáng tạo lẫn khó cho người thưởng thức) nhưng lại là một thể loại chuyển tải được sâu sắc những cung bậc tình cảm, có khả năng biểu hiện rộng lớn những hỉ, nộ, ái, ố và lay động tận đáy lòng người nghe.
- Là người sáng tác nhiều bản giao hưởng nhất Việt Nam và các tác phẩm đều được dàn dựng, gây tiếng vang, ông có thể cho biết để viết thành công một tác phẩm giao hưởng, người nhạc sĩ cần hội đủ các tố chất nào?
- Không riêng lĩnh vực âm nhạc, sáng tạo tác phẩm ở bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào người nghệ sĩ cũng cần 2 tố chất cơ bản: cảm xúc và khả năng chuyên môn. Nhưng đối với tôi cảm xúc là yếu tố chủ yếu và quan trọng nhất. Kiến thức chuyên môn và kiến thức tổng hợp chính là cái nền vững chắc để cảm xúc thăng hoa. Bên cạnh đó, sự ủng hộ từ xã hội, từ khán giả là động lực lớn. Vì ai đi vào con đường sáng tác nhạc giao hưởng mới biết hết được những nhọc nhằn chông gai của nó. Tôi chỉ nghĩ mình là một người may mắn khi những bản giao hưởng mình viết ra không bị "tồn kho". Những bản như: Giao hưởng số 6 Sài Gòn 300 năm, giao hưởng số 7 Chuyện nàng Kiều, giao hưởng số 8 Quê hương đất nước tôi... của tôi đều biểu diễn thành công vì được sự đầu tư từ nhà hát Giao hưởng vũ kịch TP HCM.
- Theo ông, làm thế nào để ngày càng nhiều người Việt Nam đến với nhạc giao hưởng và nghệ thuật hàn lâm?
- Tôi nhớ, hồi còn học ở Nga, đi vào nhà hát nghe nhạc giao hưởng lúc nào cũng chật kín người, người trẻ thì không nói làm gì, những người già, tóc bạc phơ vẫn đứng ngồi tràn cả ra cửa nhà hát. Rõ ràng, nghe nhạc giao hưởng, thưởng thức nghệ thuật hàn lâm là món ăn tinh thần không thể thiếu của họ. Mà muốn được như vậy, họ phải được trang bị kiến thức và mỹ cảm âm nhạc từ rất sớm.
Ở Việt Nam, mà cụ thể là ở TP HCM, người dân đang ngày càng tìm đến nghệ thuật hàn lâm như một nhu cầu thiết yếu. Thế nhưng, để những loại hình nghệ thuật này đi sâu hơn nữa vào đời sống, chúng ta cần phải phổ cập kiến thức về chúng nhiều hơn nữa. Như tổ chức những buổi diễn thuyết mà diễn giả là những người có kiến thức về âm nhạc, đưa kiến thức nghệ thuật hàn lâm, nhạc giao hưởng vào nhà trường. Tôi biết rất nhiều bạn trẻ Việt Nam bây giờ nghe nhạc giao hưởng thấy giống như "ong bầu kêu" vậy, bởi vì họ chưa có điều kiện nắm giữ "mật mã" để giải mã ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc. Vậy thì làm sao cảm thụ hết được cái đẹp của nhạc giao hưởng?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam (Hà Nội, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội ngày nay), nhạc viện Leningrad (St. Peterburg); Giáo sư lý luận - sáng tác Nhạc viện TP HCM; Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam; Hội viên Hội âm nhạc TP HCM; Hội viên Hội nhạc sĩ Liên Xô và CHLB Nga. Các tác phẩm tiêu biểu: 8 giao hưởng có tiêu đề và tất cả được biểu diễn thành công tại Việt Nam - Nga; Huyền thoại Kazka (Giao hưởng thơ - 1984); Tiếng sáo 1 (Tổ khúc giao hưởng 1986); Tiếng sáo 2 (Symphony - Cantate 2004); Hòa bình cho các dân tộc (Thanh xướng kịch - 1995); Việt Nam của tôi (Âm nhạc vũ kịch - 1979) cùng nhiều tác phẩm thính phòng dành cho nhạc cụ độc tấu và hòa tấu. |
Anh Vân thực hiện