Lầu đầu nhìn thấy bức ảnh trên bản tin truyền hình, Hannibal Lokumbe nghĩ đó chỉ là cảnh trong một bộ phim. Nó có thể không phải là thật. Năm đó là 1972, Lokumbe, một nhạc sĩ và nghệ sĩ kèn trumpet, mới 23 tuổi và đang sống ở New York.
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cô bé Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi, đang trần truồng vừa bỏ chạy, vừa gào khóc vì sợ hãi giữa những đứa trẻ khác khi ngôi làng bị trúng bom Napalm. Nhiếp ảnh gia Nick Út là người đã chụp bức ảnh và đưa cô bé đến bệnh viện. Kim Phúc bị bỏng 30% cơ thể và đến năm 2015 mới bắt đầu chữa trị các vết sẹo do bỏng để lại.
Bức ảnh đã làm trào dâng một cảm xúc rất bản năng khiến Lokumbe bật dậy khỏi ghế.
"Đó là một điều kỳ lạ, vì đó là tôi. Tôi nhìn thấy mình. Tôi nhìn thấy Medgar Evers, tôi thấy Fannie Lou Hamer", ông kể, nhắc đến những nhà hoạt động về quyền của người da màu.
Bị lôi cuốn bởi bức ảnh, năm 1973, Lokumbe đã sáng tác một tổ khúc mang tên "Những đứa trẻ của lửa" để bày tỏ sự đồng cảm với cô bé Việt Nam.
Hơn 45 năm sau, nỗi đau của cô bé vẫn ám ảnh Lokumbe. Tối 7/12 vừa qua, ông đã biểu diễn tác phẩm này trước khoảng 250 khán giả tại nhà thờ Tân giáo Philadelphia, bang Pennsylvania, mà đặc biệt một trong số đó là "em bé Napalm" ngày nào.
Tác phẩm "Những đứa con của lửa" gồm 4 phần đã đưa khán giả đi qua những diễn biến của một ngày tháng 6 năm 1972, từ góc nhìn của bà Phúc. Trước vụ đánh bom, Lokumbe tưởng tượng rằng cô bé Phúc đang chơi ở một cánh rừng gần đó.
"Cuộc sống có thật nhiều điều thú vị. Những đám mây đang trôi tự do. Khu rừng để khám phá. Những ngọn núi cao. Bờ biển bất tận", tác phẩm viết.
Tuy nhiên, khi bom đạn trút xuống, được mô tả bằng những tiếng trống và tiếng đàn violin, ca từ của ca khúc trầm xuống: "Cơn mưa trút xuống từ bầu trời này là gì. Cơn mưa này đã thiêu đốt tôi cho đến khi chết đi".
Vào chiều 6/12, Lokumbe và bà Phúc, người hiện là một bác sĩ và nhà hoạt động hòa bình tại Canada, đã trao đổi với nhau về tác phẩm và những trải nghiệm của bà trong quá khứ lẫn hiện tại. Cuộc trò chuyện còn có sự tham gia của cựu phóng viên tờ Inquirer Mark Bowden, người từng xuất bản cuốn sách "Hue 1968" viết về bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam.
Đó là lần đầu tiên, Lokumba có thể kể cho bà Phúc nghe những gì ông cảm nhận và suy nghĩ sau khi nhìn thấy bức ảnh của bà.
"Ngay cả trong nỗi đau đó, tôi vẫn thấy được vẻ đẹp sâu sắc này, rõ ràng với tôi, cô đang rất đau đớn nhưng cũng đang hồi sinh", Lokumbe nói. "Khi đặt nốt cuối cùng của tác phẩm này, tôi rất vui vì nó đã đưa tôi vào một hành trình. Tôi đã cảm nhận được những gì cô cảm thấy".
Bà Phúc nhớ lại vào ngày hôm đó, lính Mỹ đến chiếm ngôi làng. Bà và gia đình trốn ở một ngôi chùa gần nhà suốt 3 ngày, nghĩ rằng nơi này sẽ tránh được bom. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, Mỹ thả bom napalm. Bà Phúc và những đứa trẻ khác đang chơi gần ngôi chùa bỏ chạy.
"Đột nhiên lửa bao trùm mọi nơi xung quanh tôi", bà kể. "Quần áo tôi bốc cháy. Vào giây phút đó, tôi đã nghĩ rằng mình đang bị thiêu cháy, tôi sẽ trở nên xấu xí và mọi người sẽ nhìn tôi theo cách khác".
Bức ảnh của bà Phúc đã góp phần tạo ra một bước ngoặt cho cuộc chiến tranh, khiến ý kiến dư luận về sự can dự của Mỹ vào Việt Nam thay đổi đáng kể, theo ông Bowden. Năm 1973, bức ảnh đã được trao giải báo chí Pulitzer danh giá.
"Bom napalm là kẻ sát nhân không chừa một ai", Bowden nói. "Hành động đó, mà chắc hẳn là một tội ác chiến tranh, tôi nghĩ nó điển hình cho cách tiếp cận của Mỹ với cuộc chiến ở Việt Nam, và nó, cũng như tất cả cách tiếp cận khác", cuối cùng đã thất bại. Nhưng tôi nghĩ rằng bức ảnh có ý nghĩa sâu sắc với nhiều người Mỹ và đã góp phần làm thay đổi thái độ của mọi người với cuộc chiến".
"Những đứa con của lửa", một trong những tác phẩm được thu âm sớm nhất của Lokumbe, chỉ là khởi đầu cho những tác phẩm âm nhạc kể về các thảm kịch của nhạc sĩ này. Năm ngoái, ông đã biểu diễn cùng một người sống sót trong vụ xả súng vào giáo đường Do Thái ở Pittsburgh, Pennsylvania tháng 11/2018.
Cuối buổi biểu diễn hôm 7/12, Lokumbe và Kim Phúc đã ôm lấy nhau, mắt cả hai ngấn lệ. Đó là một giấc mơ đã thành hiện thực.
"Cô ấy là người phụ nữ duy nhất ngoài vợ tôi khiến tôi khóc", Lokumbe nói. "Tôi đã cầu nguyện và xin Chúa hãy để tâm hồn tuyệt đẹp này lắng nghe, không chỉ biến giấc mơ ấy thành hiện thực mà tôi còn ở đây để lắng nghe và chơi tác phẩm đó".
Đến bây giờ, bà Phúc, người hồi đầu năm nay được trao Giải thưởng Hòa bình Dresden vì những nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân trẻ em trong chiến tranh, vẫn còn bất ngờ trước sức ảnh hưởng của bức ảnh với mọi người trên toàn thế giới.
"Tuy nhiên bây giờ, kết quả của bức ảnh là tình yêu, lòng trắc ẩn từ những người đã quay về với tôi, với cô bé đó", bà Phúc nói. "Thật đẹp".
Anh Ngọc (Theo WESA)