Hồng Nhung - ca sĩ hát thành công nhạc Hoàng Hiệp. |
- Vừa khoẻ lại sau đợt nằm liệt giường vì tai nạn, ông đã ngồi vào bàn sáng tác. Phải chăng ông đang sợ mình bị lãng quên?
-Tôi phổ thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên. Điều tôi muốn gửi gắm là thế hệ sau đừng bao giờ quên vốn văn hóa dân tộc mình.
Nếu nhạc sĩ có sáng tác đáp ứng được công chúng thì làm sao họ bị lãng quên? Có những ca khúc cách đây 40-50 năm mà người ta vẫn tìm thấy một điều gì đó như thể nói cho riêng họ. Tôi chỉ thấy lo lắng cho khuynh hướng sáng tác hiện nay.
Có mâu thuẫn lớn trong quan niệm giữa người nghe và người viết. Thưởng thức một ca khúc bây giờ hình như chỉ cần cảm giác thôi, không cần cái đầu. Điều này trái ngược với những gì tôi viết từ trước đến giờ.
- Vậy tại sao ông không lên tiếng?
- Tôi đã nói nhiều rồi. Nhưng đến lúc này thì lại rất khó nói. Khi không nắm được nhu cầu thưởng thức của người nghe, nhất là lớp trẻ, nên sợ phát biểu không chính xác.
- Vì sao ông không tiếp tục sáng tác và phổ biến những tác phẩm của mình?
- Thời kỳ nào cũng có người sáng tác đáp ứng công chúng. Còn đáp ứng đến mức nào thì khán giả trả lời chính xác nhất. Vấn đề là không ai phổ biến ca khúc của người già như chúng tôi. Ngay như tuyển tập của tôi gồm 100 bài hát in năm 1995 thì chỉ một số ca khúc được sử dụng. Vẫn còn nhiều bài chưa xài hết. Tương tự, tôi có khoảng 300 bài như thế.
- Khi không ai chịu giúp nhạc sĩ phổ biến ca khúc, tại sao ông không tự tiếp thị tác phẩm của mình?
- Tôi chỉ là một nhạc sĩ già đã về hưu. Không có ca sĩ nào tự tìm đến tôi để được hát nhạc của tôi đâu. Muốn tiếp thị cũng không đủ sức. Hơn nữa, ca sĩ hát nhạc của tôi giờ không mấy ai. Trong số đó tôi đánh giá cao Cao Minh, Quang Lý, Hồng Nhung, Mỹ Linh, những người hát nhạc của tôi rất đạt.
- Nhiều người cho rằng ông là "ông hoàng phổ thơ", nhưng hầu hết ca khúc hay của ông đều do ông viết lời?
- Như ca khúc Nhớ về Hà Nội đến giờ vẫn làm tôi xúc động. Bởi đó là những cảm xúc thật, sâu và mãnh liệt, cách đây 21 năm. Còn phổ thơ là phá thơ nhiều lắm. Nhưng các nhà thơ không trách gì nên tôi cứ việc phổ. Dẫu sao, phần nhạc vẫn quyết định, nên đúng ra là hát thơ. Một nhạc sĩ từng nói, phổ thơ là phải trị được thơ.
Theo kinh nghiệm riêng, tôi thường viết cùng một lúc cả lời và nhạc. Nhưng chỉ ở VN mới đẻ ra xu hướng nhạc sĩ tự viết lời. Ở các nước, nhạc sĩ soạn lời sau khi đã có nền nhạc hoặc trước đó. Do đặc trưng của tiếng Việt, nếu một chữ sai dấu thì sai nghĩa, nếu hát theo hứng "anh yếu em" thì chết mất
- Sự nghiệp âm nhạc của ông chịu ảnh hưởng ai?
- Phía bắc có Văn Cao, phía nam có Lưu Hữu Phước. Còn ảnh hưởng sâu đậm nhất trong sáng tác của tôi vẫn là dân ca.
(Theo Lao Động)