Lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 11 diễn ra ở TP HCM tối 24/3, thu hút sự tham gia của nhiều độc giả, nhà nghiên cứu. Nhạc sĩ Dương Thụ là một trong sáu tên tuổi được vinh danh.
Tại buổi lễ, nhạc sĩ Dương Thụ phát biểu: "Tôi hiểu, được trao giải là một vinh dự rất lớn, nhưng cái còn quan trọng hơn với tôi từ giải thưởng này chính là sự được hiểu bởi những con người đáng kính, một sự khuyến khích vô cùng to lớn cho những công việc mình đang làm". Nhạc sĩ bày tỏ ông sáng tác nhạc không vì mục đích xã hội to lớn hoặc để tuyên truyền cho lý tưởng xã hội mà chủ yếu để mong một sự chia sẻ. "Sáng tác nhạc là để sống với phần sâu thẳm nhất của tâm hồn mình, để giải phóng năng lượng đã tích tụ, để đi tìm ngôn ngữ biểu đạt riêng, để được mơ, để được yêu thương, để được là chính mình", Dương Thụ nói.
Sinh năm 1943 ở Hà Nội, nhạc sĩ Dương Thụ sớm nổi tiếng từ thập niên 1990 với loạt ca khúc nhạc nhẹ như Em đi qua tôi (1990), Họa mi hót trong mưa (1995), Vẫn hát lời tình yêu (1996)… Các sáng tác của ông được nhiều tên tuổi như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Quang Dũng… thể hiện. Ông còn là tác giả cuốn sách Cà phê… mưa, ra mắt lần đầu năm 2010.
Ngoài ra, nhạc sĩ Dương Thụ điều hành chuỗi chương trình "Cà phê thứ bảy" - một dự án phi lợi nhuận nhằm tạo không gian đáp ứng nhu cầu giao tiếp của những người yêu thích và am hiểu văn hóa, những người có nhu cầu trao đổi, kết nối và sáng tạo. Dự án này đã tổ chức thành công nhiều buổi giao lưu, tọa đàm về văn học, kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh... thu hút đông đảo khán giả, giới trí thức.
Nhóm dịch sách Nhất nghệ tinh được trao giải Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục vì đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục công - kỹ nghệ. Phan Cẩm Thượng và Lữ Phương giành giải Nghiên cứu lần lượt cho những công trình văn hóa dân gian và chủ nghĩa Marx. Dịch giả Nguyễn Tùng giành giải Dịch thuật. Giải Việt Nam học cho hai nhà nghiên cứu Daniel Hemery và Pierre Brocheux.
Ngoài các giải thưởng này, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh còn tôn vinh danh nhân Phạm Quỳnh trong dự án "Tôn vinh danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại". Phạm Quỳnh (1892 - 1945) là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người tiên phong trong việc sử dụng chữ quốc ngữ và dùng tiếng Việt thay vì chữ Nho và tiếng Pháp để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh Hoa Đường, Hồng Nhân. Con trai ông - nhạc sĩ Phạm Tuyên - có mặt để nhận giải thưởng thay cha.
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hóa lỗi lạc Phan Châu Trinh (1872 - 1926). Quỹ này được thành lập với sứ mệnh "Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21". Quỹ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, do một nhóm các trí thức tâm huyết với văn hóa của nước nhà thành lập.
Hà Thu