Đâu là tháng năm rực rỡ nhất của đời người? Ít nhất một lần trong đời chúng ta đều tự đặt cho mình câu hỏi đó. Khi lần lượt bước qua các dấu mốc tuổi 30, 40, 50... và ngoái lại, câu trả lời không gì khác: tuổi trẻ ở sau lưng chính là quãng thời gian đẹp đẽ và nhiều màu sắc nhất của mỗi người.
Nguyễn Quang Dũng truyền tải tinh thần đó trong Tháng năm rực rỡ - bản làm lại phim Sunny của Hàn Quốc. Song song mạch phim, nhạc sĩ Đức Trí kể một câu chuyện bằng âm nhạc. Các ca khúc xuất hiện đúng thời điểm giúp đẩy cao trào cảm xúc trong phim. Qua đó, tình bạn của một nhóm nữ quái trung học được tái hiện đầy màu sắc, đan xen quá khứ và hiện tại. Đặt ra ngoài bộ phim, các ca khúc hoàn toàn có thể kết nối với nhau thành thước phim ca nhạc về tuổi trẻ, tình bạn, tình yêu, về những tháng năm rực rỡ nhất - cả niềm vui lẫn nỗi buồn.
* Nhiều ca khúc thập niên 1970 được đưa vào phim
Hai từ "thanh xuân" và "tuổi trẻ" thường được đồng nhất trong cách nghĩ của nhiều người. Nhưng cắt nghĩa chi tiết hơn, "thanh xuân" thường gợi nhiều mơ mộng, lãng mạn, trong khi "tuổi trẻ" bao hàm ý rộng: là tự do, nổi loạn, cuồng nhiệt, dấn thân, là mơ mộng, vấp ngã, đôi lần tan vỡ... Tháng năm rực rỡ của Nguyễn Quang Dũng nói về tuổi trẻ nhiều hơn là thanh xuân. Nhạc phim vì thế xuất hiện nhiều giai điệu Rock, Acoustic vừa dữ dội, phóng khoáng lại có nét dấm dẳng đến day dứt, nao lòng.
Đức Trí lấy ca khúc Vết thù trên lưng ngựa hoang nổi tiếng của Phạm Duy và Ngọc Chánh trong thập niên 1970 để thể hiện trọn vẹn ý tưởng tên nhóm trong phim - Ngựa hoang. Ca khúc - theo lưu truyền - lấy cảm hứng từ những tay giang hồ cộm cán ở Sài Gòn thập niên cũ. Ca từ vừa tái hiện sự hoang dã, kiêu hùng của kiếp ngựa hoang nhưng cũng truyền tải những nỗi đau con vật mang trên thân mình trong hành trình sống. Ca khúc vang lên trên radio khi sáu nhân vật trong phim quyết định gắn với nhau và đặt tên cho nhóm. Bản phối Rock qua giọng hát mạnh mẽ của Phạm Anh Khoa hàm chứa sự hân hoan. Từ đây báo hiệu sự dấn thân, cuồng nhiệt, sống hết mình cùng nhau của sáu người trẻ, không cần biết có thể cuộc đời lúc nào đó sẽ hằn lên họ "những vết thù".
Phim không chỉ nói về sự nổi loạn của băng nhóm học trò nữ mà còn được đặt trong bối cảnh thập niên 1970, khi phong trào biểu tình của sinh viên, học sinh yêu nước ở Đà Lạt lên cao. Trong trường đoạn phần nào mang tính chất cường điệu, nhóm sáu nữ quái hòa vào dòng người biểu tình và chiến đấu như những người hùng. Lúc này, ca khúc Vết thù trên lưng ngựa hoang lại vang lên gợi tinh thần nghĩa hiệp của băng nhóm học trò một cách dí dỏm.
Ca khúc Kim ơi của Y Vân nổi tiếng thập niên 1970 cũng xuất hiện ở những trường đoạn lạc quan, vui nhộn thể hiện chất quậy của tuổi trẻ, của tình bạn khăng khít và lời cam kết luôn sát cánh bên nhau khi người khác gặp chuyện của nhóm Ngựa hoang. "Cớ sao buồn này Châu? Cớ sao buồn này Chi?..." Tên Kim trong ca khúc được thay bằng chính tên nhân vật, kết hợp điệu nhảy của các cô gái vừa đáng yêu vừa mang đến tiếng cười cho khán giả.
Hai ca khúc do Hoàng Yến Chibi thể hiện là Yêu (Văn Phụng) và Nụ hôn đánh rơi (Đức Trí) tạo nhiều cảm xúc. "Yêu là lòng bâng khuâng/ Nhớ hay thương một chiều thu vương/ Gió êm đưa xào xạc tre thưa/ Lá rơi rơi, rơi tả tơi". Giọng hát trong veo có chút ngây thơ của Hoàng Yến Chibi vang lên khi nhân vật của chính cô - Hiểu Phương - tròn xoe mắt trong lần đầu tiên chạm mắt người mình thích dưới cơn mưa đêm khiến như cả thế giới này tình yêu đang nảy nở. Giai điệu mang theo chút thảng thốt, hân hoan trong thầm lặng của những rung động đầu đời. Hoàng Yến Chibi phổ tinh thần tươi mới cho ca khúc, hoàn toàn khác lối hát chậm rãi đầy chiêm nghiệm của Tuấn Ngọc trên nền giai điệu trầm buồn.
Thế nhưng, cũng với chất giọng trong trẻo đó của Hoàng Yến, khi nhân vật Hiểu Phương chạm vào nỗi buồn, tiếng hát như pha lê rơi vỡ: "Em đánh rơi/ Nụ hôn đầu/ Sau lưng anh (...) Em lỡ mang/ Nỗi buồn/ Khi yêu anh (...) Yêu người nhưng em giữ cho riêng em thôi/ Yêu người em ngu ngốc khóc riêng em thôi".
Nhạc sĩ Đức Trí viết ca khúc này ngay sau khi xem bản nháp của phim Tháng năm rực rỡ. Ca khúc dành cho Hoàng Yến Chibi, cho Hiểu Phương của cô trong phim với thứ tình chưa kịp nói thành lời đã vội tan biến: "Anh đâu biết, em chưa dám/ Nên thế là/ Vụt mất nhau/ Một đời (...) Nụ hôn chưa dám/ Vòng tay chưa ấm/ Nên thế là/ Lạnh giá em/ Một đời".
Nhạc của Trịnh Công Sơn cũng được sử dụng trong phim ăn nhập với bối cảnh để nói về thân phận. Khi hai người bạn Hiểu Phương và Lan Chi đến tìm gặp Bảo Châu - đang làm gái bán hoa, ca khúc Ru ta ngậm ngùi vang lên. "Có đường phố nào vui/ Cho ta qua một ngày/ Có sợi tóc nào bay/ Trong trí nhớ nhỏ nhoi/ Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời/ Không chờ, không chờ ai". Tiếng ca dìu dặt trong bối cảnh đèn mờ xanh đỏ, cô gái bán hoa vén váy trước ban thờ thần tài để xin "lộc" nghề... và ba người bạn cũ gặp lại nhau mừng tủi. Nhân vật cười trong nỗi chua chát.
Trong khi đó, khi Hiểu Phương đi tìm lại mối tình đầu của mình năm xưa, ca khúc Niệm khúc cuối của Ngô Thuỵ Miên qua giọng hát già dặn của Đức Phúc gợi một hồi ức đẹp, lại như có điều tiếc nuối khi nhân vật đều đã đi qua thời trai trẻ. "Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời/ Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây/ Dù có gió, có gió lạnh đầy có tuyết bùn lầy có lá buồn gầy/ Tình ơi, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em". Nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ anh và đạo diễn Quang Dũng tìm chọn một giọng hát của "bạn trẻ hôm nay nhưng mang tinh thần xưa" và Đức Phúc là người làm được điều đó.
* Đức Phúc thể hiện "Niệm khúc cuối"
Ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị xuất hiện trong những cảnh hồi tưởng về ngày tháng trên ghế nhà trường như nét chấm phá xinh xắn, dễ thương vào bức tranh âm nhạc đa sắc của Tháng năm rực rỡ: "Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ (...) Em tan trường về/Anh theo ngọ về...".
Mỹ Tâm hát ca khúc chủ đề - đặt ở cuối cùng của phim. Ca khúc như lời kết cho toàn bộ câu chuyện. Đó là cuộc đối thoại hai chiều giữa tuổi trẻ và những năm tháng về sau của mỗi người với thông điệp: Rồi ta sẽ ra sao, ta sẽ là ai, thành công hay thất bại, quan trọng là chúng ta từng ở bên nhau và có những tháng năm rực rỡ.
Đông Hồ