Cô gái đến từ hôm qua là phim điện ảnh do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thực hiện, chuyển thể từ truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Phim xoay quanh cuộc tình của cậu học trò Thư (Ngô Kiến Huy) và cô bạn học Việt An (Miu Lê).
Để chuyển chất tinh tế, nhẹ nhàng từ tác phẩm văn học sang hình thức nghe - nhìn, Phan Gia Nhật Linh chú trọng các yếu tố có thể khơi gợi cảm xúc của khán giả như bối cảnh, phục trang, đặc biệt là âm nhạc.
* Trailer "Cô gái đến từ hôm qua"
Bối cảnh năm 1997 được mở ra với không khí âm nhạc ngay từ đầu phim.
Mở đầu phim, ca khúc Phượng hồng vang lên cùng hình ảnh quen thuộc "những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng" - như lời đề tựa ý nhị, giới thiệu chủ đề là mối tình đầu của tuổi học trò. Phượng hồng được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thơ Đỗ Trung Quân từ năm 1984. Vào những năm 1990, bài hát bắt đầu phổ biến, trở thành lời tỏ tình của bao thế hệ nam sinh ở độ tuổi chớm yêu.
* Trúc Nhân hát "Phượng hồng"
Những thói quen, sở thích thưởng thức nhạc thời kỳ internet chưa phát triển rầm rộ được lồng ghép khéo léo. Thư "thơ thẩn" dành cả ngày chủ nhật nằm dài nghe radio từ Làn Sóng Xanh. Trên giường cậu la liệt băng cassette. Em gái Thư vừa nghe băng, vừa bấm nút dừng để chép lời bài hát. Thư tỏ tình với Việt An bằng cách chép lời ca khúc kinh điển vào sách của cô. Chi tiết Việt An gửi tặng bạn bè bài hát Tình thơ qua radio cũng khiến người xem xúc động.
* Ngọc Linh, Miu Lê hát "Tình thơ"
* Mashup "Tình thôi xót xa - Cô bé có chiếc răng khểnh"
Tình thôi xót xa của nhạc sĩ Bảo Chấn là ca khúc gắn liền với chương trình Làn Sóng Xanh, ra đời năm 1997. Nhạc phẩm có nội dung buồn nhưng không bi lụy, lấp lánh những cảm xúc đẹp của một tình yêu đơn phương, góp phần lột tả tính cách mơ mộng, hồn nhiên, chân thành của cậu học trò. Bản phối Ngô Kiến Huy thể hiện mang âm hưởng vui tươi hơn, mang lại cho người xem cảm giác thoải mái.
Khi Thư thất vọng vì Việt An không đáp lại tình cảm của mình, đạo diễn dùng ca khúc Người ta nói để diễn tả nỗi lòng của cậu.
"Người ta cứ nói đừng quá yêu
Người ta cứ nói đừng quá tin
Tình yêu dẫu có cũng chỉ là ước mơ trong mỗi cuộc đời..."
* Trúc Nhân hát "Người ta nói"
Người ta nói ra đời năm 2003, từng "làm mưa làm gió" với giọng hát Ưng Hoàng Phúc. Nội dung bài hát mang đến cảm xúc day dứt, dằn vặt, đan xen chút hối tiếc. Phiên bản mới do Trúc Nhân thể hiện trong phim nhẹ nhàng, không ủy mị nhưng vẫn tạo cảm giác buồn man mác.
Ngoài những bài hát quen thuộc, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đưa vào một số sáng tác mới được viết riêng cho phim. Trong cảnh Thư bị lạc đường, Trúc Nhân xuất hiện và hát Ngồi hát đỡ buồn. Ban đầu, Phan Gia Nhật Linh muốn sử dụng ca khúc Trống vắng, Bước chân lẻ loi - các bản hit trong thập niên cũ. Tuy nhiên, anh thấy các bài hát này không thực sự phù hợp với tâm trạng nhân vật. Đạo diễn đặt hàng nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong sáng tác Ngồi hát đỡ buồn.
* Ca khúc "Ngồi hát đỡ buồn"
Bài hát thể hiện tâm trạng bối rối của Thư trước sự lạnh lùng của cô bạn cùng lớp Việt An. Anh chàng tự đặt ra câu hỏi: "Giờ tiếp tục hay rút lui hay là lặng im?". Giọng hát của Trúc Nhân vừa có chút bất cần, trẻ con, vừa như giận dỗi... phù hợp với tâm lý phức tạp của anh chàng Thư ngốc nghếch. Ngồi hát đỡ buồn được nhiều khán giả yêu thích và không lạc lõng khi đặt cạnh những bản hit cũ.
Ca khúc Cô gái ngày hôm qua của Vũ Cát Tường cất lên ở phần cuối phim, khi nhân vật Thư đã nhận ra Việt An chính là cô bạn tuổi thơ. Cô gái ngày hôm qua mang chất tự sự, kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
* Ca khúc "Cô gái ngày hôm qua"
Nhiều khán giả thắc mắc việc nhạc sĩ không sử dụng ca khúc Cô gái đến từ hôm qua của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh. Phan Gia Nhật Linh cho biết anh từng nghĩ đến việc sử dụng ca khúc này, tuy nhiên, anh thấy nó không phù hợp với cái kết có hậu của phim. Vũ Cát Tường - người sáng tác và thể hiện Cô gái ngày hôm qua - nói: "Ca khúc của Trần Lê Quỳnh là lời tâm sự của một người từng trải, đã đi qua nhiều thăng trầm trong đời và xác định tình yêu đầu đời chỉ là dư âm đẹp. Còn ca khúc của tôi viết theo tâm lý của hai nhân vật chính. Đây là hai cảm xúc với hoàn cảnh khác nhau".
Phan Gia Nhật Linh chia sẻ anh xác định không làm một phim hoài niệm dĩ vãng mà muốn tạo cảm giác như câu chuyện đang xảy ra. Vì thế, Cô gái đến từ hôm qua gây bàn tán bởi dùng màu hiện đại thay vì lớp màu bạc bạc như nhiều khán giả mong đợi. Tuy nhiên, ê kíp đã dụng công cài cắm, đan xen âm nhạc như một chất xúc tác gợi hoài niệm. Âm nhạc trong phim vang lên ở thời điểm hợp lý, đánh thức những ký ức ngủ quên trong mỗi người, khiến câu chuyện từ 20 năm trước trở nên sống động, vui vẻ như mới diễn ra ngày hôm qua.
Vĩ Thanh