Theo BBC, tối 2/12, quân đội Đức tổ chức lễ Grosser Zapfenstreich để chia tay Thủ tướng Đức ở Berlin trước khi bà rời vị trí sau 16 năm. Merkel được phép chọn ba bản nhạc và yêu cầu ban nhạc diễu hành biểu diễn. Bà khiến nhiều người bất ngờ khi muốn các quân nhân chơi ca khúc Du hast den Farbfilm vergessen (Anh đã quên cuộn phim màu).
Nhiều người Đức nhận xét Merkel hài hước trong việc chọn bài hát chia tay bốn nhiệm kỳ làm Thủ tướng.
Tờ Tagesspiegel cho biết Du hast den Farbfilm vergessen được đa phần dân Đông Đức thuộc lòng. Lần đầu thu âm năm 1974 bởi nữ ca sĩ Nina Hagen, bài hát từng thành hit trong nước và một số quốc gia châu Âu. Nội dung kể về chuyến du lịch giữa Hagen và người bạn trai tên Michael. Trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ca sĩ không ngại gian khổ để tạo dáng trước ống kính, với hy vọng người tình chụp cho những bức ảnh sống động. Tuy nhiên, Michael chỉ mang theo cuộn phim đen trắng, thay vì cuộn phim màu theo ý cô.
"Đôi chân trần em đau đớn giẫm trên bãi cát.
Em gạt đôi tay anh trên vai mình.
Chàng Michael của em, mọi chuyện thật đau đớn quá!
Nếu anh tái phạm một lần nữa, em sẽ bỏ đi.
Anh đã quên cuộn phim màu, Michael của em.
Sẽ chẳng có ai tin khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây.
Anh đã quên cuộn phim màu.
Trời xanh, trắng và lá cây, tất cả sẽ sớm không còn là sự thật"
Nina Hagen thể hiện ca khúc theo phong cách phóng đại, hài hước để lột tả sự giận dữ của cô gái trước lỗi lầm của bạn trai. Cô hát rằng đó là điều không thể tha thứ khi bao công sức tạo dáng của mình trở thành vô ích.
"Em đang ở ngôi nhà của chúng ta
và chọn những bức ảnh cho cuốn album.
Đây là em trong bộ bikini và em tại bãi biển khỏa thân.
Đây là em trong chiếc váy gợi cảm và có cả phong cảnh thiên nhiên nữa.
Nhưng mọi thứ thật ghê tởm, giọt nước mắt em rơi nóng hổi
Phong cảnh hay Nina - mọi thứ đều màu trắng đen.
Ôi Michael của em, mọi chuyện thật đau đớn quá!
Nếu anh tái phạm một lần nữa, em sẽ ra đi"
Bài hát từng được cho rằng mang ẩn ý chế giễu xã hội Đông Đức lúc đó quá "xám xịt, buồn tẻ" - như một cuộn phim đen trắng. Đồng thời, người dân cũng hiếm khi được tiếp cận các cuộn phim màu - vốn là món hàng xa xỉ. Câu hát "Rồi sẽ không ai tin rằng nơi đây từng đẹp như thế" được nhiều người Đông Đức yêu thích.
Một số nhà bình luận suy đoán Thủ tướng sắp mãn nhiệm hàm ý một thông điệp hiện đại hơn qua bài hát. "Đó có thể là sự thất vọng về những người đàn ông bỏ bê công việc hay thay lời chia tay của bà với các đồng nghiệp nam của mình", Oltermann của tờ Guardian viết.
Thủ tướng Đức không giải thích cụ thể lý do chọn bài hát, nói Du hast den Farbfilm vergessen gợi nhắc đến thanh xuân của bà: "Bài hát đến từ Đông Đức và thật trùng hợp khi nó vẫn được phát ở nơi từng là khu vực bầu cử của tôi". Trong quá khứ, các người tiền nhiệm của Merkel thường chọn những bản nhạc nghiêm túc như My Way (Frank Sinatra) hay Ode to Joy (Ludwig van Beethoven) trong lễ chia tay.
Ca sĩ Nina Hagen cho biết kinh ngạc khi biết Merkel chọn bài hát của mình. Ban đầu, cô nghĩ đó là tin giả vì Kurt Demmler - tác giả ca khúc - từng bị buộc tội lạm dục tình dục trẻ em và quyết định treo cổ tự tử trong nhà giam năm 2009.
Hagen là ca sĩ theo phong cách punk tại Đức, nổi tiếng với những hành động nổi loạn. Năm 1992, cô và Merkel từng tham dự chung một chương trình truyền hình về quyền phụ nữ và trẻ em. Tại đây, ca sĩ gọi Thủ tướng Đức là kẻ dối trá, đạo đức giả.