Tác phẩm sân khấu dài 115 phút, quy tụ khoảng 50 diễn viên, do nhà báo Trần Nguyễn Thiên Hương làm tổng đạo diễn kiêm viết kịch bản. Vở tái hiện mối tình thần thoại giữa chàng trai người phàm và nàng tiên Giáng Hương.
Theo sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (bản in năm 2011 của Nhà xuất bản Trẻ), Từ Thức làm quan tri huyện tại Tiên Du (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Ngày nọ, một cô gái làm gãy cành mẫu đơn và bị bắt tội. Từ Thức cởi áo lông cừu chuộc lỗi thay nàng. Về sau, chàng treo ấn từ quan, ngao du khắp nơi, lạc đến động tiên và gặp lại cô gái năm xưa, hóa ra là một tiên nữ tên Giáng Hương. Sau một năm ở lại cõi tiên, chàng xin trở về trần. Đến nơi, chàng mới hay thế gian đã trải qua 80 năm. Cảnh lẫn người đều khác xưa. Không còn nơi để về, chàng vào núi và biến mất từ đó.
Nếu nguyên tác mang nét ly kỳ, liêu trai, phiên bản nhạc kịch xoáy sâu vào mối tình lãng mạn Từ Thức - Giáng Hương. Để làm được điều đó, nhóm tác giả đã chọn lọc những tình khúc giàu chất thơ của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên... đưa vào những phân đoạn phù hợp.
Chẳng hạn, phân cảnh Từ Thức đem lòng tương tư Giáng Hương sau một lần gặp được thể hiện bằng đoạn đầu bài hát Đóa hoa vô thường (Trịnh Công Sơn). Trong không khí lãng mạn khi Từ Thức gặp lại nàng tiên giữa giấc mộng, ca khúc Dư âm (Nguyễn Văn Tý) được vang lên. Cặp diễn viên chính cũng thể hiện nỗi đau chia lìa, day dứt với bản tình ca Kiếp nào có yêu nhau (Phạm Duy). Từng nhạc phẩm kinh điển được lồng ghép trong bối cảnh thần thoại trở nên vừa quen vừa lạ.
Dàn diễn viên chính thể hiện khả năng thanh nhạc vững vàng. Trong vai Từ Thức, Nam Khánh - cựu thành viên ban nhạc AC&M - hát các nhạc phẩm bất hủ như Riêng một góc trời (Ngô Thụy Miên), Phượng yêu (Phạm Duy)... với chất giọng chắc khỏe.
Hai nhân vật chính được đôi nghệ sĩ Nam Khánh - Hoàng Kim và Tấn Đạt - Thanh Nguyên thay nhau đảm nhận xen kẽ các suất diễn. Theo đạo diễn Thiên Hương, đây là điều cần thiết. Bởi như nhiều tác phẩm nhạc kịch khác trên thế giới, một diễn viên khó có thể đảm nhận vai xuyên suốt mọi suất diễn.
Nổi trội về phần nhạc, phần kịch của tác phẩm lại dàn trải. Các diễn viên tập trung vào việc thể hiện trọn vẹn ca khúc song ở những cảnh thoại lại bị cho là còn tẻ nhạt. Các lời thoại này mang nặng tính văn chương, ước lệ chứ chưa được chuyển biến gần với ngôn ngữ đời sống.
Diễn biến tâm trạng của nhân vật cũng chưa thật sự hợp lý. Chẳng hạn, ở phân cảnh Từ Thức đi tìm Giáng Hương, cả hai đang trong tâm trạng đau khổ vì lạc mất nhau. Bỗng dưng, nhạc nền sôi động vang lên và cặp diễn viên chính đọc rap để gây cười. Nhân vật Đông Tử đang lột tả cái ác của một hung thần đột nhiên cất giọng trình diễn bài Vợ người ta với phần lời được "chế" lại.
Hành trình Từ Thức tìm lại người trong mộng diễn ra qua loa, không lột tả được sự vất vả, gian truân. Những nút thắt, mở cũng ít được cài cắm trong kịch bản. Chỉ một lần, khi Từ Thức cắn trái đào và rơi xuống trần gian, câu chuyện đang dần có được chút kịch tính lại mau chóng được chuyển sang bối cảnh khác.
Chia sẻ về việc phần nhạc lấn át chất kịch của tác phẩm, đạo diễn Thiên Hương cho rằng chị và êkíp đang nỗ lực dàn dựng nhạc kịch đúng nghĩa. "Một tác phẩm thuộc thể loại này sẽ khai thác thế mạnh ở âm nhạc và vũ đạo, diễn xuất chỉ là phần phụ. Khi diễn viên không thể biểu đạt hết cảm xúc bằng ngôn ngữ, họ sẽ dùng đến âm nhạc và sau cùng là vũ đạo", chị lý giải.
Bù lại sự rời rạc, phần kỹ thuật của vở gây ấn tượng ở độ hoành tráng. Sân khấu bố trí nhiều màn hình LED lớn để liên tiếp chuyển đổi không gian. Các tạo cảnh như ngọn núi, đền đài, cổng nhà quan... mang đến hiệu ứng thị giác. Phần kinh phí dành cho trang phục của dàn diễn viên lên đến gần một tỷ đồng với 120 bộ quần áo. Phân đoạn nhóm tiên nữ múa mặc váy áo gắn bóng đèn phát sáng trong đêm gợi không khí lung linh, huyền ảo chốn cảnh tiên.
Đội ngũ dàn dựng còn kỳ công mang đến cảm giác thưởng thức sân khấu mới cho khán giả Sài Gòn. Để giúp người xem được hòa mình vào vở diễn, họ đưa cả mùi hương vào các phân cảnh. Như ở đầu vở, khi cây hoa quỳnh xuất hiện, mùi thơm nhè nhẹ lan tỏa khắp khán phòng.
Nữ đạo diễn cho biết nội dung chính của vở kịch nhằm nhắn gửi: "Dù sống ở hoàn cảnh nào thì tình yêu là mãi mãi. Hãy khiến tình yêu của chúng ta trở thành những câu chuyện cổ tích". Chị và êkíp thực hiện tác phẩm với mong mỏi mang đến điều mới mẻ cho sân khấu kịch TP HCM - vốn đang trong giai đoạn bị nhận xét đang đứng yên về mặt sáng tạo.
Nhạc kịch Chuyện tình Giáng Hương công chiếu từ ngày 14/10 với 9 suất diễn tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM.
Mai Nhật
>> Xem thêm: