Vở diễn tối 9-10/11 tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), dựa trên câu chuyện của "chú lính chì" Thiện Nhân và mẹ nuôi - nhà báo Trần Mai Anh (Mẹ Còi). Năm 2006, Mai Anh nhận nuôi Thiện Nhân - em bé bị bỏ lại trong vườn chuối, bị thú hoang ăn mất cơ quan sinh dục và một chân. Suốt thời gian dài, chị đưa con đi khắp các châu lục, thực hiện nhiều cuộc đại phẫu để giúp con lấy lại cơ thể trọn vẹn. Nỗ lực của Mai Anh đã khơi dậy niềm hy vọng cho nhiều trẻ em khuyết tật bộ phận sinh dục trên cả nước. Từ đó, chương trình Thiện Nhân & Những người bạn ra đời.
Nhạc kịch tái hiện câu chuyện của Thiện Nhân nhưng không xoáy vào khó khăn, đau đớn mà em trải qua. Những chi tiết mang sắc thái bi lụy được tiết chế tối đa, hướng đến không khí tươi vui, nhiều hy vọng. Cảnh Thiện Nhân phẫu thuật không khai thác cụ thể, chỉ cho thấy diễn biến qua câu nói của bác sĩ.
Nhiều phân cảnh khiến người xem xúc động, như Mẹ Còi đứng ngoài hành lang phòng mổ đợi bác sĩ giành lại sự sống cho con. Hay bác sĩ Greig - nhân vật lấy cảm hứng từ cha nuôi của Thiện Nhân ngoài đời - người mổ đầu tiên cho bé có lúc phải dừng phẫu thuật vì kiệt sức. Tuy nhiên đối diện ánh mắt của Mẹ Còi, ông như được tiếp thêm động lực làm việc.
Sân khấu dựng bối cảnh chính là bệnh viện - nơi gắn liền hành trình của Thiện Nhân. Vở sử dụng nhiều đạo cụ như bàn, ghế, đồ trang trí trong cảnh đám cưới bác sĩ. Chiếc mặt nạ được dùng ở cảnh một số người từ chối giúp Mai Anh cứu bé Thiện Nhân. Bé Mai (đóng Mai Anh thời trẻ) nắm chặt viên đá ngũ sắc - biểu tượng của lòng tin, gửi gắm thông điệp: ''Chúng ta tin thì phép màu sẽ xuất hiện''.
Nhạc kịch quy tụ nhiều diễn viên trẻ, trong đó dàn gương mặt nhí hát, nhảy thuần thục. Hai diễn viên chính Minh Châu (Mai Anh) và Nam Phong (bé Thiện Nhân) thể hiện tròn vai, được khán giả hưởng ứng.
Nhóm diễn viên trong vai những người mẹ có con bị khuyết tật để lại nhiều cảm xúc. Họ diễn tả niềm hạnh phúc khi các bé phẫu thuật thành công, hay lo lắng khi ca mổ không thuận lợi. Xen kẽ hành trình của Thiện Nhân và các em nhỏ bị khuyết tật một phần cơ thể, những tương tác đời thường của nhóm bác sĩ đem lại màu sắc tươi sáng cho vở kịch.
Phần âm nhạc gồm những sáng tác mới dành riêng cho vở diễn, mang giai điệu hiện đại, như Trái tim thơm tho, Ước mơ xanh, Trái tim không biên giới... Các ca khúc đều truyền tải niềm hy vọng vào phép màu của cuộc sống, lan tỏa tình người. Ban nhạc Chicktown diễn trên sân khấu, nhận được sự cổ vũ từ khán giả.
Vở do Nghệ sĩ Ưu tú Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - làm tổng đạo diễn. Nghệ sĩ cùng nhà báo Trần Mai Anh thống nhất đưa góc nhìn lạc quan, khẳng định nghị lực của những người đang đồng hành quỹ Thiện Nhân & Những người bạn. Qua đó, êkíp muốn tiếp thêm niềm tin cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh giống Thiện Nhân, khẳng định xung quanh luôn có những người tử tế, giàu tình yêu thương, cùng đội ngũ bác sĩ không phân biệt biên giới sẵn lòng đến Việt Nam để "đắp thêm, trả lại sự đầy đủ cho các con về thân thể, tâm hồn", theo Cao Ngọc Ánh.
Ngồi dưới hàng ghế khán giả theo dõi vở diễn, nhà báo Trần Mai Anh cho biết chị ấn tượng với nét tươi mới, hiện đại mà êkíp truyền tải. Dù có nỗi buồn, xung đột nhưng con người đều ở trong tư thế làm chủ, hướng về điều tích cực. ''Đó là điều cần thiết trong cuộc sống này. Tôi trân trọng tâm huyết, sự đầu tư của êkíp, cảm thấy nợ mọi người về mặt ân tình", Mai Anh nói.
Phương Thúy (45 tuổi, Hà Nội) nói nhạc kịch Viên đá ngũ sắc đã chạm đến trái tim người xem cũng như những người tham gia, theo dõi câu chuyện Thiện Nhân. Khán giả Lê Thảo (29 tuổi, Hà Nội) chưa từng biết đến câu chuyện của bé, song xúc động trước nỗ lực của nhà báo Mai Anh và Thiện Nhân nhiều năm qua, được tái hiện trong vở diễn.
Minh Phương