Chuyện của dòng sông đỏ công diễn đêm đầu tiên tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, tối 22/3. Theo đạo diễn, tác phẩm thuộc thể loại operetta (một dạng opera nhẹ kết hợp giữa kịch nói, ca hát và múa).
Bối cảnh câu chuyện diễn ra trên một dòng sông. Trời đang trong xanh thì vua (NSƯT Tấn Minh) triệu tập mọi người lên thuyền bàn chuyện chống bão. Tất cả có mặt, ngoại trừ hoàng tử út (Tùng Dương) - con phi tần (Khánh Linh). Trong lúc đi tìm hoàng tử út, tổng quản lén nghe thấy thứ phi khuyên con trai đừng cuốn theo những tranh đấu chốn hoàng cung mà hãy vui chơi thỏa thích ở dân gian. Thế nhưng, vua lại muốn hoàng tử út gánh trọng trách quốc gia thay thái tử (Đông Hùng).
* Tùng Dương trong vai hoàng tử út
Họa sĩ, đạo diễn Hoàng Hà Tùng vốn được mệnh danh là Tùng "Điên" bởi những ý tưởng dị trong đời sống, lối ăn mặc, hội họa và sân khấu. Trước đêm diễn, Hoàng Hà Tùng chia sẻ cốt truyện với ông không quan trọng. Đó chỉ là cái cớ để ông phô diễn vẻ đẹp của nhiều loại hình nghệ thuật như chèo, kịch nói, kịch hát, múa dân gian. Trong khoảng 145 phút, đạo diễn đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau bằng chất "điên" của mình. Khán giả được chứng kiến nhiều dòng nhạc thịnh hành như Pop, Rock, Jazz hòa quyện cùng chèo, kịch nói. Các nhạc cụ dân gian như đàn nhị, sáo cũng có màn "giao duyên" cùng violin.
NSƯT Tấn Minh, Thu Huyền, Thanh Thanh Hiền, Khánh Linh... duyên dáng, linh hoạt khi vừa hát, múa, nhảy. Các diễn viên không có nhiều đoạn hội thoại, tính cách, nội tâm nhân vật được thể hiện qua ngôn ngữ hình thể, âm nhạc. Đặc biệt, màn múa kết hợp giữa ballet cổ điển, múa đương đại, múa dân gian được nhiều khán giả yêu thích. Loạt ca khúc Dòng sông sắc đỏ, Bến có còn sông (Nguyễn Cường) Mắt tằm, Con lắc (Trọng Đài), Bay đi, Cỏ gà (Lưu Hà An)... được phối lại theo phong cách mới lạ, mang âm hưởng hào sảng, bi tráng.
Dù đạo diễn khẳng định cốt truyện không quan trọng, khán giả tinh ý vẫn nhận ra thông điệp giàu triết lý nhân sinh mà ông gửi gắm trong tác phẩm. Người xem đồng cảm với một vị vua luôn canh cánh nỗi lo thế sự, một thứ phi u uất trong cô đơn, một hoàng tử chán chường với những tranh đấu chốn hoàng cung. Ngay đến tổng quản – nhân vật tự nhận mình "sướng nhất hoàng cung" – cũng có lúc buồn đến phát điên. Vở kịch của Hoàng Hà Tùng chất chứa nhiều hoài niệm, băn khoăn, thể hiện qua những câu hỏi đậm tính triết lý: "Có phải dòng sông bao giờ cũng bình yên? Có phải trời bao giờ cũng mãi xanh? Có phải người bao giờ cũng mãi vui?".
Nghệ sĩ Chiều Xuân đánh giá Chuyện của dòng sông đỏ sang trọng, lộng lẫy, mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc mãnh liệt. Vở diễn đa dạng, nhiều màu sắc, rực rỡ tựa như những bức tranh của Hoàng Hà Tùng. Chị hài lòng với từng chi tiết nhỏ như cách dàn dựng, thiết kế sân khấu, phục trang. Nữ diễn viên cảm thấy xúc động khi nhìn các diễn viên múa ballet trong chiếc váy đụp cách điệu. Các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Cường, Giáng Son, Lê Minh Sơn... được trình diễn theo phong cách ấn tượng, khiến chị thích thú.
Chuyện của dòng sông đỏ được Hoàng Hà Tùng ấp ủ 5 năm về trước, từ khi ông còn công tác tại Nhà hát Ca múa Nhạc nhẹ Việt Nam. Chi phí dàn dựng tác phẩm lên đến bốn tỷ đồng.
Hà Thu