Vỏ ốc xà cừ cổ đại được phát hiện trong hang động Marsoulas trên dãy Pyrenees năm 1931, nhưng các chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Bảo tàng Toulouse, Đại học Toulouse - Jean Jaurès và Bảo tàng Branly - Jacques-Chirac chia sẻ bản thu âm thanh phát ra từ nhạc cụ này trong phát hiện mới công bố hôm 10/2.
Phần chóp của vỏ ốc (Charonia lampas) bị đập vỡ, tạo thành lỗ hổng đường kính 3,5 cm. Đây là phần cứng nhất của chiếc vỏ, do đó lỗ hổng này không phải tai nạn. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy bằng chứng về thao tác cắt, đục thủng và trang trí bằng hematite, sắc tố màu đỏ dùng trong các hình vẽ hang động Marsoulas. Các nhà nghiên cứu làm việc với một nghệ sĩ thổi kèn để xác nhận giả thuyết của họ rằng chiếc vỏ ốc được sử dụng để tạo ra âm thanh. Với nhạc cụ này, nhạc sĩ có thể tạo ra âm thanh gần giống nốt Do (C), nốt Do trưởng (C sharp) và Re (D).
Lỗ hổng có hình dáng bất đối xứng và được bao phủ bởi lớp phủ hữu cơ khiến nhóm nghiên cứu cho rằng lúc đầu có một miệng ống gắn vào đó. Sự hiện diện của miệng ống ở những chiếc vỏ ốc xà cừ khác trên khắp thế giới giúp củng cố thêm giả thuyết, theo Gilles Tosello, đồng tác giả nghiên cứu kiêm nhà khảo cổ ở Đại học Toulouse.
Kết quả xác định niên đại trên than chì và xương gấu từ cùng địa tầng khảo cổ với vỏ ốc cho thấy vật thể có niên đại từ 18.000 năm trước. Điều này biến nó thành nhạc cụ hơi cổ nhất thế giới. Tuy nhiên, người cổ đại có thể không dùng vỏ ốc như một nhạc cụ. Tosello cho biết nó có thể được dùng như một công cụ giao tiếp, trong các nghi thức gắn liền với nghệ thuật hang động.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy đặc điểm tương tự ở vật liệu trong các hang động dọc vùng ven biển Đại Tây Dương và phía bắc Tây Ban Nha, dẫn tới giả thuyết người sử dụng vỏ ốc là thợ săn bắt hái lượm du mục lang thang giữa vùng ven biển Đại Tây Dương và dãy Pyrenees. Họ có thể phải di chuyển bởi hết động vật để săn bắt nếu ở lại một nơi trong thời gian dài, Tosello giải thích.
Tosello và cộng sự sẽ tạo ra bản sao 3D chính xác của vỏ ốc để tìm hiểu nhiều hơn về lỗ hổng rộng 1 cm ở bên thân. Họ cũng nghiên cứu âm thanh do vỏ ốc tạo ra có thể vang xa bao nhiêu. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện trên tạp chí Science Advances hôm 10/2.
An Khang (Theo CNN)