Qua Facebook, Thúy Hằng (19 tuổi) quen Hà Văn Thắng (20 tuổi), cả hai đều ở thành phố Huế. Nghe cậu bạn này than thở đau buồn vì bạn gái bỏ nhà đi không về, ngày 9/7 vừa qua, Hằng đã đến đón Thắng đi tìm người yêu. Trong lúc Hằng vào khuyên nhủ cô gái kia hộ bạn thì chiếc xe máy của cô đã bị Thắng đem ra hiệu cầm đồ. 7 triệu tiền mặt trong túi xách của Hằng cũng bị nẫng mất. Khi bị công an bắt giữ, Thắng khai không có công ăn việc làm, mê cờ bạc nên làm quen qua Facebook để lừa đảo.
Đau lòng hơn, có những thiếu nữ cả tin còn bị bạn quen qua Facebook giả vờ yêu rồi bán vào nhà chứa. Một người phụ nữ ở Vũng Tàu tin lời cầu hôn của bạn trai Tây trên mạng đã chuyển hơn 900 triệu vào tài khoản của anh ta (mở tại Việt Nam) và bị nẫng mất. Một phụ nữ Đồng Nai trong lần hẹn gặp bạn trai quen qua mạng cũng bị anh này lừa cả tình và tiền, lấy xe máy cùng các đồ nữ trang.
Facebook và mạng xã hội nói chung giờ đây đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đại đa số người trẻ. Theo kết quả một nghiên cứu kéo dài từ cuối 2007 đến đầu 2015 với hơn 8.000 người trong độ tuổi 10-30 tại nhiều tỉnh của bác sĩ Nguyễn Lan Hải và cộng sự, 40% người cho rằng mạng xã hội giúp kết nối và hiểu biết, 28% coi đó là phương tiện giải trí... Có 9% dùng Facebook với mục đích chủ yếu là để làm quen và kết bạn mới.
Bác sĩ Lan Hải nhận xét: "Giới trẻ ngày nay bị thôi thúc vào mạng xã hội, cho rằng nhờ vậy mà thế giới mới biết đến mình". Một trong những cách để được thế giới biết đến mình chính là kết bạn một cách vô tội vạ, và vô tình nhiều bạn trẻ đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Theo ông Đỗ Văn Sự, giảng viên bộ môn Kỹ năng mềm, Đại học Công nghệ TP HCM, chuyện bị mắc lừa người quen qua mạng xã hội không hề mới, báo chí cũng đã nhắc đến nhiều nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ, kể cả người lớn tuổi, sa bẫy kẻ xấu. Ông Sự nhận xét, tâm lý bạn trẻ vốn tò mò, thích khám phá, muốn tìm hiểu chính bản thân mình và cả người khác. Tiếc rằng những thông tin đưa lên mạng xã hội đôi khi rất ảo mà các em vẫn tưởng là thật.
Để nâng cao cảnh giác cho con khi tham gia mạng xã hội như Facebook, Zalo... chị Lê Thùy Dương, một bà mẹ có tuổi teen đang sống tại quận 7, TP HCM chia sẻ với con quy tắc mà chính chị đang áp dụng: chỉ kết bạn với những người quen ở ngoài đời thật. Chị cũng thường kể những vụ lừa đảo qua mạng để con cảnh giác. Trên mạng, chị cố gắng là một người bạn thân thiết, theo sát các hoạt động của con.
Muốn con dạy con cảnh giác khi kết bạn với người lạ trên mạng xã hội, giáo sư tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (hiệu trưởng trường trung cấp Âu Việt) khuyên cha mẹ cần nói cho con biết, mạng xã hội là thế giới ảo và những người bạn đó chưa đáng tin cậy về mặt nhân thân. Ông cho biết, những kẻ xấu có ý đồ lừa gạt ta ban đầu thường nói những câu hay ho, những câu khen ngợi khiến ta thích rồi mê muội, mất cảnh giác. Một số thậm chí còn dùng chiêu tặng quà, tặng hoa qua bưu điện mà chúng chỉ tốn rất ít tiền khiến ta tin tưởng và xiêu lòng. Sau đó chúng sẽ “thu hồi và lấy lãi” lại bằng cách đánh vào lòng thương hại, lòng tham hay sự bất cẩn của chúng ta. Ví dụ chúng đưa ra điều kiện đang gặp khó khăn, lợi dụng lòng thương hại của ta mà lừa đảo. Có kẻ lại đánh vào lòng tham của người khác, ví dụ rủ góp vốn làm ăn, cho hưởng một phần thừa kế, điều này rất nhiều người lớn cũng mắc phải khi nhận được những lá thư lừa đảo từ nước ngoài. Và cuối cùng là đánh vào sự bất cẩn của chúng ta.
Chuyên viên tâm lý Đỗ Văn Sự bổ sung thêm, thực ra khi trẻ dùng Facebook, bố mẹ rất khó kiểm soát, trẻ hoàn toàn có thể giấu mình có bao nhiêu bạn bè trên mạng xã hội. Một số trẻ nếu bất mãn với bố mẹ có thể làm những điều rất đáng tiếc. Vì thế muốn bảo vệ con trong thế giới mạng, cha mẹ cần phải giáo dục con ngay từ khi con còn nhỏ, phải là bạn với con để con sẵn sàng chia sẻ mọi điều và cũng sẵn sàng nghe lời bố mẹ. "Bố mẹ nên là người bên cạnh con khi con bắt đầu tạo tài khoản trên mạng xã hội, là người bạn đầu tiên kết bạn với con, là người bạn thân thiết của con ở đó".
Kim Anh