"Một số cho rằng nhạc chuông đó rất tuyệt. Nhưng những người khác lại nghĩ: Ôi Chúa ơi, thật khủng khiếp", Carlos Xavier Rodriguez, trưởng khoa lý thuyết âm nhạc tại Trường Âm nhạc, Sân khấu & Khiêu vũ thuộc Đại học Michigan (Mỹ), nói với CNN về "giai điệu gây chia rẽ" của By the Seaside.
Gyaltsen Moktan, 26 tuổi, giáo viên tiếng Anh ở Tokyo, cho biết bị ám ảnh và rùng mình với By the Seaside từ 2019. Khi đó, anh làm thêm tại một nhà hàng sushi và nhiệm vụ là đến mở cửa mỗi sáng. Để tránh bị dậy muộn, anh thường cài báo thức.
Một ngày, anh đổi chuông sang By the Seaside. "Tôi có cảm giác bài hát đang chế nhạo tôi. Nó cũng giống như cảnh trong một bộ phim kinh dị, khi người ta hát những bài đồng dao trước ngày diệt vong", Moktan chia sẻ.
Sau khi được đưa vào danh sách nhạc chuông trên iOS 7 năm 2013, nhiều người dùng Reddit và YouTube nói cảm thấy By the Seasidegây ra những căng thẳng và lo lắng, thậm chí khiến trẻ con bật khóc khi nghe.
"Giấc mơ đẹp của tôi bị phá hủy vì tiếng chuông này", tài khoản YouTube Snonk bình luận.
"Tôi phát bài nhạc này để dọa bản thân. Đã bốn năm kể từ lần cuối sử dụng làm báo thức, tôi vẫn có cảm giác kỳ lạ khi nghe nó", tài khoản Pinky viết.
Tuy nhiên, cũng có người yêu thích bài nhạc. Boston Flake, học sinh trung học 15 tuổi ở Utah, nói By the Seaside là chuông báo thức duy nhất có thể đánh thức cậu dậy mỗi sáng. Trước đó, cậu cố gắng tự mình tạo ra chuông báo thức riêng như còi báo động, tiếng động mạnh nhưng không có kết quả.
"Đôi khi nghe thấy nó trong mơ, tôi giật mình và bắt đầu hoảng sợ", Flake kể.
Theo ông Rodriguez, By the Seaside có những yếu tố âm nhạc khiến người dùng khó nghe, "không có yếu tố kết thúc" gây cảm thấy bức bối. Tuy nhiên, ông đánh giá yếu tố quan trọng nhất là phản ứng cảm xúc của người dùng với cái gọi là Thung lũng kỳ lạ (Uncanny Valley) - hiện tượng xảy ra trong tâm lý và nhận thức của con người liên quan đến các vật thể giống người nhưng không hẳn là con người như robot, búp bê hay thậm chí là chú hề.
"By the Seaside có âm thanh điện tử, sự sến súa, gợi nhớ đến âm nhạc được vi tính hóa mà không có sự tiếp xúc của con người", Rodriguez nói thêm.
Apple chưa đưa ra bình luận.
Bảo Lâm (theo CNN)
- Bị vợ phát hiện tin nhắn mua dâm, người đàn ông kiện Apple
- Người dùng iPhone chi tiền để cài nhạc chuông
- Câu chuyện đằng sau nhạc chuông huyền thoại của Nokia