Giai đoạn hè là lúc giáo viên và phụ huynh học sinh mua sắm sách giáo dục rất nhiều để chuẩn bị cho năm học mới. Thời điểm này rất lý tưởng cho một số cơ sở kinh doanh tranh thủ kiếm lợi nhuận phi pháp bằng cách in và bán sách lậu. Nhà xuất bản Giáo Dục vừa có đợt khảo sát nhiều đơn vị phát hành sách ở thành phố Vũng Tàu, Hà Nội, TP HCM, Phú Yên và nhiều tỉnh thành phía Nam. Kết quả ban đầu cho thấy, hàng chục nghìn đầu sách của đơn vị này bị làm giả, bày bán với giá như sách thật.
Ngày 18/6, trong cuộc gặp gỡ với báo chí, ông Vũ Bá Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục miền Nam (trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục) chia sẻ, so với cùng thời gian này ở các năm trước, số lượng sách của Nhà xuất bản Giáo Dục đang bị in lậu và bán trên thị trường đang tăng cao. "Mức độ sách giả được bán ngày càng nhiều, công khai, trắng trợn và trên diện rộng hơn khiến tôi có cảm giác quản lý của nhà nước về vấn đề này ngày càng ít đi", ông Bá Hòa lắc đầu ngao ngán.
Vừa cầm hai cuốn sách tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học trên tay, ông Bá Hòa vừa chỉ ra những điểm khác nhau giữa đầu sách thật và sách giả. Thoạt nhìn hai quyển sách y hệt nhau. Thậm chí chúng giống nhau đến cả tem chống sách giả được in phía bìa sau. Nhưng nếu xem kỹ, có thể thấy từ chất lượng giấy, màu sắc, độ sắc nét của chữ và cách đóng xén có sự chênh lệch rõ nét. Sách lậu do sao chụp lại nên khó tránh nhiều sai sót, chất lượng giấy in không đạt chuẩn và nhất là các hình ảnh in không được rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều, chữ bị đứt nét... Điều nguy hiểm hơn là những cuốn sách in lậu không đảm bảo về nội dung, có thể có những lỗi, sai nghiêm trọng về kiến thức làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
NXB Giáo Dục đang chuẩn bị ra mắt tủ sách "Kể chuyện về Biển đảo Việt Nam", cùng nhiều đầu sách về Hoàng Sa, Trường Sa cung cấp kiến thức lịch sử, văn hóa về biển đảo. Ngoài ra, có nhiều đầu sách bổ trợ kiến thức về tiếng Anh, tin học cũng được nhà sách chuẩn bị tung ra dịp hè. Ông Hòa bày tỏ lo lắng, nếu không lên tiếng chuyện sách bị làm giả thì các ấn phẩm mới chắc chắn mau chóng bị sao chép cẩu thả để bày bán trên thị trường chỉ vài ngày sau khi sách thật được bày bán. "Từng có những cuốn Át-lát, bản đồ của nhà xuất bản bị in lậu. Mà các dạng sách cung cấp kiến thức lịch sử in lậu nếu có sai sót mang lại hậu quả rất lớn. Thiệt hại trước mắt thì nhà xuất bản gánh chịu nhưng về lâu dài thì độc giả, người mua sách là đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp", ông Hòa nói.
Phương thức phát hành sách in lậu hiện nay là các nhà sách, đơn vị kinh doanh sách in lậu mua số lượng nhỏ hàng thật của các đơn vị thành viên, các công ty sách và thiết bị trường học tại các tỉnh, thành phố địa phương (thuộc hệ thống của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam) với đầy đủ hóa đơn chứng từ. Sau đó, họ trà trộn số sách thật đó với lượng lớn sách in lậu để đưa xuống các cửa hàng, các cơ sở giáo dục nhằm bán cho người đọc.
Hiện Nhà xuất bản báo cáo vụ việc lên các cơ quan chức năng để tìm sự hợp tác chặt chẽ hơn trong khâu quản lý thị trường để hy vọng kịp thời phát hiện ra những đơn vị tổ chức in sao sách giả, sách nhái.
Thất Sơn