Giữa trưa ngày 13/2, chị Huỳnh Thị Trang, 42 tuổi, xã Phú Vang (Bình Đại) cùng nhân công chuyển dừa khô từ vườn ra trước lộ nhựa chờ thương lái đến chở đi. Gia đình chị Trang có nửa ha dừa 20 năm tuổi, bình quân mỗi tháng thu hoạch một lần hơn 600 quả.
Thời điểm này những năm trước, dừa có giá khoảng hơn 6.000 đồng một quả. Bình quân mỗi đợt thu hoạch, gia đình chị kiếm hơn 3 triệu đồng.
Hơn một năm nay, giá dừa khô liên tục giảm, có lúc xuống còn hơn 1.000 đồng mỗi quả. Một số nhà vườn đã đốn bỏ dừa lâu năm, trồng lại dừa xiêm uống nước. Loại này chỉ sau 3 năm là thu hoạch và có giá ổn định hơn từ 50.000-90.000 đồng 12 trái.
Chị Trang cùng nhiều nhà vườn cố giữ vườn dừa với hy vọng giá sẽ tăng sau Tết Nguyên đán. Mấy hôm nay, thương lái đến vườn chị thu mua với giá gần 3.000 đồng một quả. "Tuy nhiên, trừ chi phí thuê người hái, tính ra còn 2.300 đồng mỗi quả", chị Trang nói.
Cách đó 5 km, bà Nguyễn Thị Xuyên (59 tuổi, Phú Long, Bình Đại) cũng đang cùng chồng tập kết dừa vào nhà kho, sau khi mua từ vườn người dân. Bà Xuyên là thương lái nhỏ thu mua dừa đã hơn 10 năm nay, mỗi ngày từ 800-1.200 quả dừa khô. "Thuê nhân công phải tốn thêm 300.000 đồng một người mỗi ngày, nên tôi cùng chồng tự đến vườn hái chở về để tiết kiệm chi phí", bà Xuyên nói.
Hơn một năm nay, dừa khô tiêu thụ khó khăn, giá thấp nên nhiều vườn bị bỏ phế không chăm sóc, bón phân. Chất lượng dừa vì thế giảm so với các năm trước.
Bình Đại là một trong các huyện có diện tích dừa lớn của Bến Tre, hơn 8.100 ha, chiếm 80% diện tích cây nông nghiệp. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này, người dân nơi đây chủ yếu trồng dừa công nghiệp (dừa khô) chiếm hơn 7.000 ha, nên khi giá rớt mạnh đã ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người.
Bình quân một ha dừa bón phân 3-4 lần một năm, tổng chi phí gần 50 triệu đồng. Với giá dừa thấp như hiện tại, tiền bán chỉ bằng nửa tiền phân.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, cho biết dừa khô rớt giá mạnh và đã kéo dài hơn một năm qua. Theo ông Đức, dừa Bến Tre xuất đi hơn 50 quốc gia, sau Covid – 19, nhiều nước có diện tích dừa lớn như Ấn Độ, Indonesia, Philippines bị tồn đọng hàng nhiều khiến dừa Bến Tra bị "dội hàng".
Tỉnh này đã kiến nghị đến các bộ, ngành trung ương nhằm xúc tiến thương mại, tiếp cận thêm các thị trường mới, nhưng tình hình vẫn còn rất khó khăn.
"Thị trường Trung Quốc sau dịch vẫn chưa khai thông, tỉnh đang thương lượng chính ngạch với thị trường này cũng như thị trường Mỹ. Chỉ cần hai thị trường trên mua bán tốt, giá dừa sẽ tăng trở lại", ông Đức nói.
Bến Tre có trên 74.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Khoảng 800.000 dân trong tỉnh (1,3 triệu dân) có nguồn thu nhập chính từ cây dừa.
Hoàng Nam