Tai nạn xảy đến khi John-Augustin cùng anh trai và mẹ đang trên đường cao tốc đi dự đám cưới, và mẹ anh bị mất lái. Tỉnh lại trên giường bệnh, cậu bé bốn tuổi nhận ra đôi chân mà cậu vẫn chạy nhảy nô đùa đã không còn. "Anh trai mất một bên chân, còn tôi thì cả hai. May mắn, lúc đó có một người đàn ông có mặt ở hiện trường vụ tai nạn, đưa chúng tôi tới bệnh viện. Ông ấy đã cứu mạng chúng tôi", lực sĩ 35 tuổi kể lại trên Sun Sport.
Chứng kiến hai con bị mất chân, nhưng mẹ của John-Augustin mới là người bị ảnh hưởng tinh thần nghiêm trọng nhất. Suốt nhiều năm sau, bà vẫn luôn tự dằn vặt vì đã khiến cả hai con trai chịu tật nguyền. Nhưng bản thân John-Augustin thì nhanh chóng vượt qua cú sốc và nghịch cảnh.
Sau tai nạn, John-Augustin giành trọn một năm ở một trung tâm phục hồi chức năng tại Paris - nơi được thiết kế đặc biệt, hỗ trợ những người mất tay hoặc chân vì tai nạn. Cậu bé 4 tuổi khi đó được dạy cách đi lại, đầu tiên là đi với nạng, sau là tập với chân giả. Vì chân giả và bàn chân giả không giữ cân bằng tốt và khó xoay chuyển, nên ngay từ nhỏ, John-Augustin đã phải học cách sử dụng phần mềm trên cơ thể để tự cân bằng.
Đó là một năm đầy khó khăn và đau đớn, nhưng vẫn chưa thám vào đâu so với những chướng ngại ở chặng đường tiếp theo mà cậu bé năm tuổi chưa hình dung ra lúc đang tập phục hồi. Trở về nhà, John-Augustin ngay lập tức đối mặt với những lời trêu chọc từ những người bạn cùng lớp về đôi chân mới. Không những thế, việc thường xuyên phải ngồi xe lăn sau các cuộc phẫu thuật khiến cậu bé trở nên nhút nhát và thừa cân.
"Tôi không chỉ may mắn sống sót sau vụ tai nạn, mà còn vượt qua được cả giai đoạn trầm cảm sau đó vì biến cố này", John-Augustin kể. Cậu bé dần xác định những khiếm khuyết cơ thể là một phần của cuộc sống, và quyết không để điều đó kìm hãm. Điều tiếc nuối với John-Augustin có chăn chỉ là vì mất đôi chân, cậu không thể tiếp tục tình yêu với môn chạy bộ, và đánh mất những khoảnh khắc hạnh phúc trên quảng đường chạy bộ giữa nhà với trường học.
Sau khi tốt nghiệp trung học ở quê nhà - hòn đảo thuộc địa French Guiana, thuộc bờ bắc Nam Mỹ, John-Augustin sang Pháp làm việc và học lấy bằng kỹ thuật viên cao cấp BTS. Và nhờ vụ dịch chuyển này, anh tìm được đam mê của cuộc đời với bộ môn thể hình. Lực sĩ này kể: "Tôi tập thể hình ở tuổi 20 để giảm stress. Lúc đó, tôi vừa chuyển từ nhà sang Pháp. Các bài thi ở Đại học và cuộc sống mới tại Paris vô cùng căng thẳng, và nhờ tập thể hình, tôi khuây khoả hơn".
Nhưng giai đoạn đó, John-Augustin muốn giữ bí mật về khiếm khuyết của bản thân. Anh mặc quần để che đi đôi chân giả. Ngay cả khi tập thể hình, chàng sinh viên đến từ Nam Mỹ cũng mặc quần dài. Chỉ những người bạn thân nhất mới biết.
Vài năm sau, khi dã có thể hình rắn chắn, John-Augustin mạnh dạn liên hệ với một nhiếp ảnh gia - người đang tìm một mẫu có vóc dáng chuẩn. Và người này ngay lập tức bị ấn tượng mạnh bởi đôi chân giả của chàng sinh viên. Một bộ ảnh đặc biệt ra đời, ghi lại John-Augustin ở các tư thế chạy nước rút, mặc quần short và không che chân giả. Nhiếp ảnh gia sau đó chia sẻ bộ ảnh lên mạng xã hội, và John-Augustin đã rất sốc rồi vui mừng vì cơn bão lời khen từ cộng đồng.
Phản hồi tích cực ấy đã truyền cảm hứng để chàng sinh viên khuyết tật bước lên giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. Anh nghĩ tự đặt cho mình biệt danh "Bionic Body", ngày càng tập chăm chỉ hơn, và mạnh dạn chia sẻ những bức ảnh về cuộc sống hàng ngày, quá trình tập luyện với đôi chân giả.
"Với đôi chân giả, tôi có thể thực hiện được nhiều bài tập khác nhau. Tôi thích thực hiện các động tác ép chân, gập bụng, kéo chân, cuộn chân... vì tôi có thể kiếm soát trọng lượng cơ thể với những bài tập đó", lực sĩ 35 tuổi chia sẻ. "Barbell squats (bài tập đùi trước) và deadlifts (dạng bài tập phức hợp giúp tăng cơ bắp toàn thân) - hai bài tập cần sử dụng tạ - cũng có thể thực hiện, nhưng tôi thường chỉ làm các động tác nhẹ nhàng khi tập các bài này vì cơ thể tôi khó giữ thăng bằng nếu tập quá nặng".
Tháng 9/2014, sau một thời gian bị bạn bè hối thúc, John-Augustin quyết định thuê HLV riêng để chuẩn bị cho cuộc thi đầu tiên. "Thành thật mà nói, tôi chưa từng nghĩ đến việc cạnh tranh ở những cuộc thi thể hình. Nhưng rất nhiều người quen biết đã khuyến khích tôi thi đấu để thử sức mình", anh phân bua.
Grand Prix Des Pyrenees - giải thể hình của Pháp vào tháng 4/2015 - mở ra một chương mới trong cuộc đời John-Augustin. Trưởng ban tổ chức giải đã sắp xếp để John-Augustin được sát cánh cùng các lực sĩ lành lặn khác. Với anh, đó là một trải nghiệm vô giá khi được đi cùng và đứng cạnh những đồng nghiệp không khuyết tật, dù anh trình diễn ở nội dung thể hình ngồi trên xe lăn.
Sau cuộc thi, John-Augustin được mời tham gia giải Vô địch Thể hình châu Âu, diễn ra tại Tây Ban Nha. Anh trở thành nhà vô địch thể hình xe lăn châu Âu năm 2015. John-Augustin vẫn thi đấu tới giờ, và trở thành nguồn cảm hứng của các VĐV thể hình trên toàn thế giới.
"Động lực của tôi tới từ nhiều phía. Với tôi, tật nguyền đã dạy tôi biết tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và tôi đã đưa ra quyết định về việc tôi muốn trở thành ai trong cuộc đời này. Tôi cảm thấy Chúa có kế hoạch cho mỗi người chúng ta và quyết định của chúng ta là phải phục tùng. Vì những cuộc phẫu thuật sau tai nạn, tuổi thơ đối với tôi là một thời kỳ khó khăn. Chúng khiến bố mẹ tôi khánh kiệt tài chính, chưa kể những đứa trẻ trong trường luôn nhìn và chế giễu tôi. Giờ đây, tôi muốn làm cho các con, cho vợ tôi và gia đình tự hào về mình. Những động lực này giúp tôi tập trung hơn", John-Augustin thổ lộ.
Lực sĩ 35 tuổi không cho rằng anh mạnh mẽ hơn người khác, chỉ là bền bỉ hơn và không chịu bỏ cuộc. John-Augustin tạo cơ mới và tạo nền tảng bằng nhiều phương pháp tập luyện khác nhau. Có lúc anh tập tạ nặng, mỗi lần 6 tới 8 nhịp. Đôi khi, anh tập tạ nhẹ hơn hoặc kết hợp cả hai. Các bài tập ngực và lưng cũng giúp anh phát triển cơ bắp thân trên.
Lịch trình tập luyện của John-Augustin thường tập trung vào một nhóm cơ nhất định. Ngày thứ Hai, anh chủ yếu tập đùi trước và đùi trong. Thứ Ba dành cho các bài tập lưng và bắp tay. Thứ Tư là tập ngực. Thứ Năm là nhóm bài tập vào vai. Thứ Sáu, anh tập toàn thân với liên hoàn các bài ép cơ, squats... Các ngày thứ Bảy và Chủ nhật được dùng để nghỉ ngơi và thả lỏng.
Chế độ ăn uống của John-Augustinđược thay đổi linh hoạt, phụ thuộc vào việc anh đang trong tình trạng xả cơ hay siết cơ. Nếu xả cơ, anh sẽ ăn năm tới sáu bữa mỗi ngày. Nếu siết cơ, anh ăn 5 bữa một ngày và giảm 10% lượng carbohydrate mỗi tuần. John-Augustin rất nhất quán trong việc duy trì chế độ ăn và uống sáu lít nước mỗi ngày. Ba ngày trước khi thi đấu, anh sẽ bắt đầu cắt giảm dần lượng nước. Anh thường ăn lòng trắng trứng, thịt gà, cá trắng, khoai lang, măng tây, bông cải xanh, rau bina... Trong bữa ăn, anh bổ sung rất nhiều tinh bột. Thực phẩm bổ sung của anh có váng sữa, BCAA, Vitamin tổng hợp, Glutamine, dầu cá, Glucosamine...
Theo John-Augustin, điều anh yêu thích nhất ở môn thể thao này là sự cống hiến hết mình. Tập thể hình mang cho anh cảm giác hoàn thành công việc mỗi ngày, cho anh một mục tiêu để phấn đấu không ngừng nghỉ. "Tôi thường chấn thương do việc đeo chân giả, nhưng điều đó không khiến tôi dừng lại", anh nhấn mạnh.
Thùy Liên tổng hợp