Nếu nói Lê Văn Tuấn là một trong những nam vận động viên nổi bật nhất VnExpress Marathon Quy Nhơn không quá lời với thành tích ngày càng đi lên. Mùa giải 2019, anh đứng đầu ở cự ly 42 km, nhóm lứa tuổi trên 30 với 2 giờ 42 phút. Sau đó một năm, chân chạy gốc Ninh Bình giành vị trí cao nhất chung cuộc. Thời gian rút ngắn xuống 2 giờ 33 phút. Vận động viên sinh năm 1984 chứng minh nỗ lực vượt bậc bất chấp không còn ở độ tuổi sung sức nhất.
"Không phải về nhất hay về nhì, không phải thắng được ai mà là năm sau mình phải chạy nhanh hơn năm trước. Giải Quy Nhơn 2021 tôi đặt mục tiêu 2 giờ 24 phút", Lê Văn Tuấn nói.

Lê Văn Tuấn về nhất cự ly 42 km.
Khi hỏi Lê Văn Tuấn điều gì khiến anh hạnh phúc nhất ở hai mùa giải vừa qua, câu trả lời là vượt qua chính mình. Thể thao thành tích cao với những vận động viên chuyên nghiệp như Tuấn thể hiện ở sự tiến bộ qua từng giai đoạn.
Giải chạy VM Quy Nhơn 2021 đang trong 7 ngày bán giá siêu ưu đãi giá chỉ từ 250.000 đồng. Chương trình kết thúc vào ngày 16/11 tới. Những người yêu chạy có thể đăng ký tại đây để lên kế hoạch sớm ngay từ hôm nay. |
Có nhiều lý do để một người bỏ cuộc giữa chừng trên đường chạy, nhưng chỉ có một lý do duy nhất khiến họ cố gắng về đích - đó là nỗ lực để tìm ra giới hạn bản thân. Lê Văn Tuấn tin rằng mình bắt đầu muộn thì cũng sẽ kết thúc muộn. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi năm, anh đều có thể nâng thành tích một cách đáng kể. Cạnh tranh với Tuấn trên đường chạy Quy Nhơn 2020 là những cái tên rất trẻ như Hoàng Nguyên Thanh. Sự già dơ đã giúp anh chiến thắng, Tuấn tự tin.
"Không giống nhiều môn đề cao sức trẻ, điền kinh lại đặc biệt coi trọng sự dẻo dai và tinh thần thép", Lê Văn Tuấn nói. Các vận động viên hàng đầu thế giới hiện nay đều có độ tuổi trung bình từ 35 đến 40, tiêu biểu như Kenenisa Bekele 38 tuổi. Ở tuổi này, họ hoàn thiện về thể chất, sức bền và khả năng vượt qua áp lực ở những giây phút quan trọng. Việc áp dụng công nghệ và phương pháp đào tạo "không chín ép" của những nền thể thao lớn còn giúp vận động viên phát triển theo lộ trình bền vững. Thực tế này khiến Lê Văn Tuấn luôn tự tin vào việc mình có thể giữ vững phong độ thêm vài năm nữa.

Hoàng Nguyên Thanh (áo cam) dẫn trước Lê Văn Tuấn suốt 30 km đầu tại giải chạy Quy Nhơn 2020.
Giấc mơ chạy bộ đến khá muộn với Lê Văn Tuấn. Năm thứ 2 đại học anh mới bén duyên với các giải điền kinh đầu tiên dành cho lứa tuổi sinh viên. Dù trước đó, Tuấn đã yêu thích việc chạy một mình trên những con đường làng nơi anh sống.
Giai đoạn gia nhập Đoàn thể thao Đồng Nai từ 2010 đến 2017, anh không thể nhớ đã đạt bao nhiêu huy chương, danh hiệu trong nước. Tuy vậy, cái tên Lê Văn Tuấn không được nhiều người biết đến. Anh tiếc nuối vì nếu mình đến với điền kinh sớm hơn 10 năm, có thể đã góp mặt trong đoàn thể thao Việt Nam dự đại hội khu vực.
"Đã là vận động viên, ai cũng mong muốn một lần được khoác lên mình cờ tổ quốc, đứng trên bục nhận huy chương ở SEA Games. Đến bây giờ đó vẫn là mơ ước của tôi", Lê Văn Tuấn nói.
Rời đoàn thể thao tỉnh Đồng Nai, Lê Văn Tuấn tạm gác lại đam mê trong 2 năm tiếp theo để hoàn thành nốt tấm văn bằng hai sư phạm khi đã 34 tuổi. Đến đầu năm 2019, anh trở về đầu quân cho đoàn thể thao tỉnh Bình Dương, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp điền kinh chuyên nghiệp.
Cũng từ năm 2019, Lê Văn Tuấn chuyển qua tập luyện marathon với hy vọng tìm ra một lối đi riêng, bên cạnh việc cạnh tranh với các đàn em trên tuyển ở các cự ly 5 km, 10 km. Quãng thời gian này chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi của một người chuyên chạy cự ly ngắn chuyển sang chạy dài, với mục tiêu chinh phục các giải chạy phong trào bên cạnh sẽ tiếp tục tham dự các kỳ đại hội thể thao toàn quốc.

Lê Văn Tuấn trong nửa chặng còn lại.
Ở cái tuổi 37, không nhiều vận động viên còn thi đấu chuyên nghiệp thì Lê Văn Tuấn vẫn mài gót giày ở hầu hết các giải thuộc hệ thống của Liên đoàn điền kinh Việt Nam. Mong muốn duy nhất là có thể một lần đóng góp cho thể thao nước nhà tại SEA Games chưa thể thành hiện thực bởi nhiều lý do. Anh cũng không ngần ngại thừa nhận, mình là "ông chú" lớn tuổi nhất làng chạy.
Tuổi tác không bỏ qua một ai. Nhiều bạn bè cùng lứa với Lê Văn Tuấn ngày trước, nay đều đã chuyển sang công tác huấn luyện hoặc ổn định sự nghiệp kinh doanh riêng. Một số gương mặt nổi bật, từng đại diện cho Việt Nam thi đấu quốc tế cũng đã quen với cuộc sống cơm áo thường nhật. Lê Văn Tuấn tính toán khi đôi chân không còn cho phép, sẽ mở một chuỗi chăm sóc trị liệu cho người chơi thể thao. Số lượng người chạy nhiều đồng nghĩa với chấn thương gia tăng, nhu cầu chăm sóc tăng lên. Cửa hàng có thể là một cách để anh vẫn sống gần với niềm đa mê đã gắn bó nửa đời người.
Còn hiện tại, cảm nhận bản thân chưa đạt đến giới hạn, những tấm huy chương vẫn thôi thúc anh luyện tập đều đặn mỗi ngày. Anh ước mơ sau khi buông giày chuyên nghiệp sẽ có cơ hội thử sức ở những đường chạy nổi tiếng thế giới như Tokyo, Boston, gặp gỡ vận động viên hàng đầu.
"Có thể ngày đó sẽ không còn xa bởi kỳ SEA Games 2021 diễn ra tại chính Việt Nam là cơ hội cuối cùng của tôi", Lê Văn Tuấn chia sẻ.
Thành Dương