Thế chiến II kết thúc cùng sự xuất hiện của bom nguyên tử, khiến thế giới kinh hoàng trước sức công phá của loại vũ khí chưa từng có. Dự án tuyệt mật tại Manhattan, Mỹ, và quá trình chế tạo bom nguyên tử trở thành chủ đề khoa học cho đến nay vẫn thu hút công chúng.
Sau chiến tranh, các nhà vật lý nguyên tử dần trở về với cuộc sống bình thường. Nhưng những tài liệu khoa học vẫn được bảo mật nghiêm ngặt nhằm giữ vững lợi thế của Mỹ và các nước đồng minh trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.
Những làn sóng ngầm trong giới khoa học vẫn tiếp diễn. Hàng loạt nhà khoa học hàng đầu bị điều tra, giám sát. Klaus Fuchs, Alan Num May - những điệp viên nguyên tử, bị kết án. Một đồng nghiệp của Fuchs là Bruno Pontecorvo đột ngột biến mất sau đó vài tháng. 5 năm sau, người ta thấy ông xuất hiện tại Liên Xô.
Ông Bruno Pontecorvo sinh năm 1913 tại Italy, trong một gia đình có thành tích xuất sắc về khoa học. Ông có một khởi đầu lý tưởng trong sự nghiệp khoa học khi gia nhập nhóm nghiên cứu trẻ của người thầy Enrico Fermi - vốn được mệnh danh là Giáo hoàng vật lý và một trong những cha đẻ của bom nguyên tử. Năm 21 tuổi, ông bắt đầu thực hiện những nghiên cứu trong buổi bình minh của ngành khoa học mới: Vật lý hạt nhân.
Lôi cuốn và hướng ngoại, hình ảnh nhà khoa học Pontecorvo thường khá nổi bật tại Rome. Sau đó, ông sang Pháp để gia nhập nhóm nghiên cứu của hai nhà vật lý hạt nhân hàng đầu thế giới là nhà Irène và Frédéric Joliot-Curie, con gái và con rể của bà Marie Curie. Về sau, những biến động chính trị đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp nghiên cứu của Bruno khiến ông rời Pháp để sang Mỹ. Ông không tham gia dự án Manhattan nơi có thầy của mình là Enrico. Tuy vậy, ông vẫn trở thành bậc thầy trong việc sử dụng neutron, đo đạc phóng xạ và tham gia xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Canada.
Năm 1950, trong khi Chiến tranh Lạnh diễn ra căng thẳng, việc nhà vật lý Bruno Pontecorvo biến mất khi trên đỉnh cao sự nghiệp khiến nó bị xem như một cuộc đào tẩu. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực điều tra, vẫn không có bằng chứng nào cho thấy ông đã tiết lộ bí mật nguyên tử cho Liên Xô, thậm chí không có bất cứ bằng chứng nào chống lại ông. Câu hỏi liệu Bruno có phải là một điệp viên đã treo lơ lửng suốt nhiều thập niên mà không có lời giải đáp. Nếu quả thực là một điệp viên, ông sẽ là "điệp viên siêu nguy hiểm thứ nhì trong lịch sử", như sau này Quốc hội Mỹ nhận định về ông.
Bruno Pontecorvo và hai nửa cuộc đời
Đâu mới là con người thật của Bruno? Nhà vật lý thiên tài hay một siêu điệp viên? Frank Close, một nhà khoa học vật lý, đã bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm sự thật bằng cách tổng hợp các tư liệu điều tra, tìm kiếm nhân chứng, tiếp cận người thân, đồng nghiệp cũ của Bruno. Thậm chí, ông vô tình liên hệ được với con trai cả của Bruno và có thêm những câu chuyện có thể làm rõ nhiều tin đồn liên quan đến Bruno Pontecorvo.
Frank Close viết cuốn Nhà vật lý hay siêu điệp viên - Bruno Pontecorvo và hai nửa cuộc đời. Trước ông, đã có hai cuốn sách viết về Bruno Pontecorvo ở hai giai đoạn khác nhau. Frank Close chọn một cách tiếp cận khác. Cũng là một nhà vật lý, Close đã chọn viết về cuộc đời Bruno Pontecorvo với tư cách là nhà khoa học và không đưa ra bất cứ bình luận nào về niềm tin chính trị của Pontecorvo. Close cho rằng: "Pontecorvo xứng đáng có một cuốn tiểu sử chỉ về những đóng góp khoa học của mình".
Dành phần lớn dung lượng của cuốn sách cho khía cạnh khoa học của Bruno, Close vẫn không ngừng liên hệ các chi tiết với quyết định táo bạo sau này của ông. Close là một minh chứng cho việc người ta không thể nhắc tới Bruno Pontecorvo mà không nói đến cuộc "đào tẩu" và những tác động chính trị kéo theo sau đó.
Với Nhà vật lý hay siêu điệp viên, Frank Close đã làm được nhiều hơn là chỉ lấy lại danh tiếng cho Bruno trong khoa học, điều đã bị đánh giá thấp sau sự kiện năm 1950. Ông đã phác họa đầy đủ cuộc đời của Bruno Pontecorvo với hai nửa đối lập gần như bằng nhau. Theo Frank Close, sự phân chia này đã định hình cuộc đời khoa học của ông. Việc chuyển đến Liên Xô đã kìm hãm sự nghiệp khoa học của ông vốn đang ở đỉnh cao và cái giá phải trả là một giải thưởng Nobel mà lẽ ra ông được nhận.
"Tính cách của ông cũng bị chia thành hai nửa bù trừ nhau. Một đằng là Bruno Pontecorvo, nhà khoa học lỗi lạc, hướng ngoại, rất nổi bật. Còn đằng kia là một con người khác: Bruno Maximovich, nhân vật bí ẩn, khó hiểu, bí mật cam kết theo giấc mơ Xô Viết", Close nhận xét.
Bao trùm cuộc đời Pontecorvo được mô tả trong tác phẩm là không khí ngột ngạt trong giới khoa học hậu Thế chiến. Nếu như trong những câu chuyện về Einsteins, Oppenheimer hay Enrico Fermi người ta có thể nhận thấy những dấu hiệu mơ hồ, thì ở câu chuyện của Pontecorvo, tất cả đều được khắc họa rõ nét. Dù nguyên nhân thật sự của Pontecorvo là gì, Close cho rằng những biến động xảy ra trong cộng đồng khoa học lúc bấy giờ đẩy ông đến quyết định ly khai.
Frank Close cũng như những tác giả trước ông, đều không cách nào tìm được câu trả lời vấn đề của Pontecorvo. Nhưng sau hàng thập niên, Close có thêm lợi thế khi biết được những gì đã xảy ra với Pontecorvo, Liên Xô đã chú ý đến ông như thế nào, cuộc sống của ông tại Liên Xô ra sao, giúp cuốn sách của ông trở thành nguồn tham khảo bổ ích cho những ai quan tâm đến nhân vật bí ẩn này.
"Một cái nhìn sâu sắc đầy mê hoặc về cuộc đời và thời đại của một trong những nhân vật bí ẩn nhất của thế kỷ 20 Lần đầu tiên, sự thật còn xa lạ hơn cả hư cấu", John Gribbin - tác giả của cuốn In Search of Schrodinger's Cat - nhận xét về sách.
"Một tiểu sử tổng quát về Pontecorvo, một cuốn sách đồng thời về cá nhân, chính trị và khoa học. Close neo chặt câu chuyện vào những tài liệu lưu trữ, những kết nối cá nhân, và các cuộc phỏng vấn", tờ Science viết.
Ngạn Bình