- Đàn ông trong truyện của chị đều là những kẻ tầm thường. Nhiều người nói chị săm soi họ bằng một lăng kính khá bi quan, chị thấy sao?
- Các cụ ta có câu "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Có lẽ vì tôi quá yêu họ nên tôi đòi hỏi ở họ cao hơn cái tầm họ có. Và khi họ không đáp ứng được sự đòi hỏi của tôi thì tôi thất vọng chăng? Và nữa, tôi phải nói thật điều này, đàn ông Việt Nam chán hơn phụ nữ Việt Nam rất nhiều.
- Vậy chị muốn tìm kiếm tình yêu nữa hay thôi?
- Tôi không kiếm tìm mà tôi nuôi dưỡng nó.
- Không ít người cho rằng, chị chỉ quanh quẩn ở những câu chuyện đàn ông - đàn bà vụn vặt chứ không đi xa hơn được. Chị cảm thấy thế nào?
- Đã có thời chúng ta tưởng "đường ra trận mùa này đẹp lắm" là tác phẩm có tầm thời đại. Tất nhiên mỗi tác phẩm văn học phải mang trên mình dấu ấn của thời đại nó đang sống. Và đôi khi nó phải gánh cả nhiệm vụ chính trị. Nhưng các tác phẩm còn lại với thời gian là những tác phẩm của con người nói về con người. Trong giới văn chương, không có cách để tôn vinh nhau nhưng lại có vô vàn cách để hạ bệ nhau. Nhiều người vỗ tay sung sướng khi một nhà văn nào đó không viết nữa. Còn nhà văn nào vẫn sung sức thì họ tìm cách bới lông tìm vết.
Tôi không quan tâm đến những điều đó. Tôi không cần phải "đi xa", ai đi xa được thì cứ việc. Tôi cũng không cần ngồi chung chiếu với ai. Tôi đi một mình trên một con đường. Tôi là Y Ban.
Nhà văn Y Ban. Ảnh nhân vật cung cấp. |
- Chị đã 46 tuổi, thử tưởng tượng đến một ngày, người ta quên bẵng cái tên Y Ban thì chị sẽ thế nào?
- Tất cả mọi cái đều có sự hữu hạn của nó. Ta phải tập làm quen với nó như là cái chết vậy. Khi còn bé, tôi rất sợ chết nhưng bây giờ tôi lại bình thản đón nhận. Khi tôi không viết được một tác phẩm nào thì cũng còn lại những dư âm. Biết đâu khi tôi chết đi, tác phẩm của tôi lại nổi tiếng hơn vì lúc đó người ta sẽ nhìn những tác phẩm ấy không qua lăng kính đố kỵ nữa.
- Thế điều gì đáng sợ nhất với một nhà văn nữ như chị?
- Ở tuổi xế chiều, tôi sợ nhất sức khỏe không tốt. Còn tuổi già ư? Mình có sợ thì nó vẫn đến cơ mà. Còn cô độc à? Tôi là người sống mở nên tôi không cô độc. Tôi có chồng và các con. Tôi lại thân thiện với tất cả mọi người... Tôi chỉ cô độc trước con chữ.
- Có cảm giác chị chỉ sồn sồn và chao chát bề ngoài, nhưng thực bụng thì không đến nỗi ngoa ngoắt. Chị cũng rất khéo, nhất là với các nhà báo để "tiếp thị" hình ảnh của mình. Chị nói sao về nhận xét này?
- Nếu không có tác phẩm nào thì chắc chẳng có nhà báo nào đến tìm tôi. Tôi lại chẳng nhiều tiền để tự quảng cáo. Tất nhiên tôi có một sự mềm dẻo và không mắc bệnh sao. Tôi xử lý các tình huống rất linh hoạt.
- Có một thời, chị đã đi buôn đất, đi bán gà tần. Nếu bây giờ vẫn vậy thì liệu cuộc sống của chị sẽ ra sao?
- Khi người đàn bà có con thì chị ta sẵn sàng làm mọi việc để nuôi con. Tôi cũng thế. Còn cuộc sống có yên ả hơn không ư? Tôi thấy bây giờ khi đi làm báo, cuộc sống của tôi cũng yên ả đấy chứ, chỉ nhiều "nhiệt" thôi.
- Đã bao giờ chị cảm thấy đời sống của mình và bản thân quá tẻ nhạt?
- Tôi là một người rất bình thường như mọi người, chỉ thỉnh thoảng viết ra một vài cái gì đấy, vậy thôi.
- Với người cầm bút, nhất là người nhạy cảm, trong những phút thức tỉnh của sự tri ngộ, không ít người cũng tự dày vò, tự dằn vặt, tự hổ thẹn với chính mình. Còn chị?
- Tôi có tất cả các cảm giác đó, đôi khi còn muốn treo cổ tự tử...
- Không ít văn nghệ sĩ khi lên mặt báo thường thích tô son trát phấn cho mình. Nếu có một người nào đó viết về chị với cả mặt tốt lẫn chưa tốt, thì chị sẽ thế nào?
- Hình ảnh của tôi trong tác phẩm của tôi, trong mắt các con tôi, trong mắt những người thân yêu tôi mới quan trọng.
- Thế còn cái nghèo, cái khổ?
- Tôi sợ nghèo chứ không sợ khổ. Tôi nhạy cảm nhất với câu: "Mẹ ơi con đói", dù biết có khi đó chỉ là cái cớ để con vòi vĩnh...
(Theo Thể Thao Văn Hóa)