Nhiều tháng trước, Hội Nhà văn đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố, đề nghị hỗ trợ mua vé máy bay, vé xe đi lại cho các đại biểu tỉnh, thành dự hội nghị.
Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, tới nay, Hội nhận được sự hỗ trợ của hầu hết tỉnh thành. Riêng Lạng Sơn từ chối cấp kinh phí, còn Hà Nội không trả lời dù Hội đã hai lần gửi công văn. Hà Nội có 27 đại biểu được mời.
Mỗi năm, ngân sách nhà nước cấp cho Hội Nhà văn Việt Nam khoảng 5 tỷ đồng để hoạt động và tổ chức các sự kiện. Nhiều năm gần đây, Hội Nhà văn cho biết, nguồn ngân sách này đã bị cắt giảm nhiều, xuất phát từ chủ trương giảm tối đa chi phí cho các hội nghị, hội thảo.
Cũng là một hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, tôi cho rằng, không chỉ Hội Nhà văn, mà tất cả 10 Hội thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, không nên nhận ngân sách.
Nhà văn, chính trị gia người Mỹ Thomas Friedman từng rút ra: "Những thành tựu vĩ đại của các nền văn minh không được chính phủ tài trợ. Einstein không được chính phủ tài trợ để xây dựng hệ thống lý thuyết của ông. Ford cũng không thực hiện cuộc cách mạng ngành công nghiệp ôtô bằng các khoản tài trợ của chính phủ".
Friedman có thể đã nói theo cách cực đoan hóa, để nhấn mạnh sự độc lập, tính chủ động của các sáng tạo khoa học và nghệ thuật. Nhưng ta dễ dàng nhìn thấy hạt nhân hợp lý của quan điểm này, đồng thời thấy được sự cần thiết tôn trọng vai trò quyết định của công chúng đối với giá trị của các tác phẩm nghệ thuật.
Xã hội nào cũng vậy, sẽ có một số ít người với tài năng thiên bẩm, họ tự nuôi sống bản thân bằng công việc sáng tạo nghệ thuật. Chỉ có sự thẩm định, đánh giá khắc nghiệt của công chúng mới đảm bảo để những người cầm bút chứng tỏ tài năng cũng như nỗ lực lao động nghệ thuật vượt bậc.
Jack London, nhà văn Mỹ, đến 9 tuổi mới biết chiếc áo sơ mi đầu tiên và trải qua cả tuổi thanh xuân sống du thủ du thực, không nhà cửa, nhưng ông vẫn viết. Tác phẩm đầu tiên của Jack London chỉ được trả 4 USD nhuận bút. Những tác phẩm sau đó khá hơn cũng chỉ 7-8 USD. Mãi sau này ông mới trở thành nhà văn nổi tiếng, tiền được trả dựa trên mỗi chữ Jack London viết ra.
Ở nhiều nước có nền văn học phát triển, tôi không thấy chính phủ dùng tiền ngân sách để cấp cho một tổ chức như Hội Nhà văn. Nhưng những quốc gia ấy giành các giải Nobel văn chương, có nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế giới, tác phẩm của họ trở thành best-seller xuất bản toàn cầu.
Việt Nam đang làm khác. Với hơn 500 hội viên Hội Nhà văn trên cả nước, nhưng Việt Nam tạo ra quá ít nhà văn tên tuổi toàn cầu, quá ít cây bút best-seller, được quyết định bởi độc giả. Sau hàng trăm năm phát triển, tôi vẫn chỉ thấy nền văn học xác định Truyện Kiều như một đỉnh cao. Số nhà văn sống được bằng nghề như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Nhật Ánh... đếm được trên đầu ngón tay.
Sáng tạo nghệ thuật là công việc cá nhân, mang tính độc lập cao nhất; nó phải là công việc được thúc đẩy từ động lực cá nhân bên trong, thay vì sự định hướng, lên kế hoạch. Bởi vậy, một hội nghề nghiệp dành cho các nhà văn, theo tôi, nên là tổ chức giúp các nhà văn bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ bản quyền, đảm bảo quyền tự do xuất bản, tạo ra một thị trường cho văn học tự do và nghiêm túc có cơ hội phát triển thực sự.
Cần tạo điều kiện, bối cảnh và sức ép tự nhiên để các nhà văn sống được bằng nghề, lúc đó, tiền vé máy bay tham gia một sự kiện sẽ chỉ còn là chuyện nhỏ, việc riêng của chính các nhà văn, thay vì phải phiền đến các tỉnh thành.
Công văn đề nghị cấp vé máy bay, và sự im lặng hoặc từ chối công khai của các đơn vị sau đó, tạo ra những tổn thương liên tiếp và không đáng có đối với các nhà văn chân chính.
Trần Văn Phúc