- Ông nghĩ sao khi giới thiệu một tác phẩm có tính chất ''đời tư'' mà từ trước ở làng văn nước ta chưa có tiền lệ?
- Thực tình chúng tôi rất đắn đo khi cho công bố những lá thư riêng này. Tôi và Thanh Hương quen thân nhau từ năm 1949 ở Thanh Hóa. Hồi đó, tôi làm báo Chiến sĩ, cô ấy là cán bộ phụ nữ. Một lần, tiểu đoàn tôi mời đại diện hội phụ nữ đến nói chuyện. Tôi đứng trong hàng ngũ tiểu đoàn nghe một cô gái trẻ măng nói chuyện hay quá, thế là mê luôn. Đám cưới được tổ chức giản dị tại cơ quan Cục tuyên huấn Quân đội ở chiến khu Việt Bắc. Chúng tôi may mắn giữ được hơn 500 lá thư viết cho nhau từ năm 1950 trở đi. Nhờ sự khuyến khích của một bạn văn Mỹ là chị Lady Borton, tác giả Tiếp sau nỗi buồn viết về chiến tranh Việt Nam, chúng tôi mang thư ra đọc và sắp xếp lại.
- Cùng là nhà văn, vậy trong cuộc sống ông bà có gặp phải cảnh ''đồng sàng dị mộng''?
- Bao giờ tôi cũng là độc giả đầu tiên của nhà tôi và ngược lại. Chúng tôi giúp đỡ, động viên nhau sáng tác. May mắn, chúng tôi cùng quan điểm thẩm mỹ khi đọc tác phẩm văn học nên ít xảy ra tranh luận. Cuốn Hồi ức tình yêu cũng là một cách chúng tôi cảm ơn cuộc sống, người thân, bạn bè và tất cả những người đã giúp đỡ.
- Ông thường nói viết văn phải có lý tưởng, vậy theo ông, lý tưởng là thế nào?
- Sinh thời, nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai có nói đại ý: Viết làm sao cho dân tộc nhất, mà dân tộc nhất thì sẽ đến được với nhân loại. Và tôi đã luôn coi câu nói đó như một tôn chỉ.
- Lúc mới bước vào làng văn, ông chịu ảnh hưởng phong cách của tác giả nào?
- Thế hệ chúng tôi chịu ảnh hưởng của văn học Pháp. Tôi cũng đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn tiền chiến nước ta trên các báo Ngày nay, Phổ thông bán nguyệt san, Tiểu thuyết thứ bảy... Tôi học được nhiều từ các nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan... Tuy nhiên, phương châm của tôi là: Học tất cả nhưng không theo ai, cố tạo cho mình một cái gì riêng, cái riêng không cầu kỳ, lập dị.
(Theo Thế Giới Mới)