![]() |
Nhà văn Trần Kim Trắc. |
- Cho đến nay ông đã có bao nhiêu tác phẩm để đời?
- Khoảng 200 truyện ngắn. Tôi viết toàn truyện ngắn, nhưng có "để đời" được hay không thì còn phải chờ sự đánh giá của độc giả.
- Ông nghĩ sao về những cây bút trẻ hiện nay?
- Muốn viết văn tốt, nhà văn cần phải đi nhiều, môi trường tiếp xúc rộng rãi, chịu khó xông xáo tìm tòi ngay từ những điều nhỏ nhặt trong đời sống. Viết văn là tạo cho người đọc cảm xúc chân thật. Chưa bao giờ giới văn nghệ sĩ được tự do như hiện nay. Tôi thấy nhiều bạn trẻ viết rất tốt. Trình độ học vấn, sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ không dở, nhưng họ cần có vốn sống, cần có thời gian khẳng định mình.
- Nhiều nhà văn, sau khi đoạt giải trong các cuộc thi văn học thì chuyển sang làm công việc khác. Ông có nghĩ đó là do "cơm, áo, gạo, tiền"?
- Chính cơm, áo, gạo, tiền là vốn sống, là nguồn tư liệu vô giá của nhà văn. Viết văn cũng như chơi hoa. Có nhiều hoa, nhiều màu sắc không đủ, mà phải biết nghệ thuật cắm hoa mới cho ra một bình hoa đẹp. Muốn đạt đến nghệ thuật thì phải có thời gian. Viết văn cũng vậy. Có trình độ, sự hiểu biết không thôi chưa đủ, còn phải có óc quan sát và kinh nghiệm sống. Hãy cho họ thời gian, tôi tin họ sẽ trả lời câu hỏi của chúng ta hôm nay.
- Như vậy theo ông, khi cuộc sống các nhà văn nhiều gai góc, họ sẽ cho ra những tác phẩm hay?
- Không phải cứ làm nhà văn thì phải có nhiều gian khổ, phải bị ngược đãi mới viết hay mà đó chỉ là một điều kiện. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt tốt xấu, thiện ác, bên trong, bên ngoài. Văn học có trách nhiệm khơi dậy hai mặt tồn tạo đó. Con người dù có bị nhiều thứ che lấp đi, nhưng bên trong họ, tính thiện vẫn còn tồn tại. Nhiệm vụ của nhà văn là phải nhìn cho ra chất ngọc trong đá đó. Nhà văn phải là người đi khai thác những mảnh đất chưa vỡ hoang, tìm từng chi tiết để tạo cho nhân vật của mình tính cách riêng biệt. Không phải nhà văn bây giờ khong có tài, mà do họ chưa có chìa khóa để khơi đúng mạch nguồn cảm hứng.
Nên có cảm xúc trước khi viết sẽ hay hơn. Đừng cố "rặn" theo kiểu ý thức đi trước, tình cảm đi sau, nó sẽ đi ngược lại với tự nhiên và khó thấm vào lòng người đọc.
- Dưới góc độ một nhà văn, ông nhìn nhận thế nào về lối sống thực dụng của giới trẻ hiện nay?
- Không có giai đoạn nào mà nhân nghĩa bị thử thách như hiện nay. Cơ chế thị trường tạo ra chủ nghĩa cơ hội, nhưng trong văn chương không thể có văn chương cơ hội. Nhà văn nhìn cuộc sống đua đòi của giới trẻ bằng cái nhìn sâu sắc, nhìn thẳng vào bản chất của sự việc theo góc độ riêng. Chẳng hạn, một cô gái nhuộm mái tóc của mình đỏ rực, đó là do cô còn quá trẻ nên chưa định hình tính cách. Nhưng trong cuộc sống cô biết quan tâm đến mọi người, nhà văn vẫn phải khai thác chi tiết "biết quan tâm đến mọi người" chứ đừng xoáy vào mái tóc đỏ hoe của cô.
(Theo Văn Hóa)