Dịp cuốn Song nguy thuyền phát hành ở Việt Nam, Tạ Lăng Khiết giao lưu với độc giả tại trụ sở Hội nhà văn TP HCM, hôm 6/12. Tiểu thuyết thể hiện tư tưởng nhân sinh, xoáy vào nội tâm của người sống sót qua thời chiến, cựu binh day dứt suốt phần đời còn lại, những người mãi mãi không chữa khỏi vết thương tâm lý.

Nhà văn Tạ Lăng Khiết ở buổi giao lưu với độc giả hôm 6/12. Ảnh: Chibooks
Nhà văn còn khai thác câu chuyện về những người phụ nữ gắn bó với các cựu binh. Không ít người vĩnh viễn không hiểu được điều gì luôn giày vò trái tim bạn đời, sự hoang mang, bất lực của họ đó trong hôn nhân.
Tạ Lăng Khiết cho biết đã gặp, phỏng vấn nhiều cựu binh và đọc sách ở các thư viện của châu Âu, từ đó có tư liệu viết tiểu thuyết. Nhà văn mất 10 năm để hoàn thành tác phẩm. Trong khoảng thời gian đó, chị bị giày vò tâm lý, có lúc rơi vào trạng thái "điên loạn, hoang tàn". Lăng Khiết ví bản thân như ngọn núi lửa dưới lòng đất hay trong lòng biển chưa được biết tới, có khả năng gây ra động đất hay sóng thần, có thể trở nên mất kiểm soát bất cứ lúc nào.

Bìa cuốn "Song nguy thuyền". Ảnh: Nghinh Xuân
Trần Trung Hỷ, một trong số người dịch Song nguy thuyền, đánh giá tác phẩm khá lạ về hình thức thể hiện lẫn nội dung. Tạ Lăng Khiết cho thấy sự am hiểu về lịch sử châu Âu lẫn kiến thức về hải dương học, kiến trúc, khảo cổ, triết học, sân khấu. Nhóm biên dịch gặp khó khăn để chuyển tải những khía cạnh mà tác giả dày công nghiên cứu.
Nhà văn cho biết được chồng - một chuyên gia lặn biển người châu Âu - tư vấn, giảng giải kiến thức về hải dương học, nhờ vậy, chị có kiến thức về đời sống trong lòng đại dương. Trong tiểu thuyết, các loài cá được Tạ Lăng Khiết dùng để thể hiện thông điệp cuốn sách.
Song nguy thuyền phát hành bản tiếng Trung lần đầu năm 2017, nhận đánh giá tích cực từ giới phê bình. Nhà văn, dịch giả Phương Bách Lâm nhận xét phong cách hành văn của Tạ Lăng Khiết độc đáo, ông chưa từng gặp ở tác giả nào khác.
Tạ Lăng Khiết sinh ở Quảng Tây, Trung Quốc, sống ở Bỉ nhiều năm qua. Từng làm việc ở ngân hàng, thập niên 1990, chị nghỉ việc, theo nghiệp văn chương. Từ năm 2001, tác phẩm của chị đăng tải trên nhiều ấn phẩm Hoa ngữ. Tạ Lăng Khiết từng xuất bản các tiểu thuyết ngắn, tuyển tập tản văn, như Chiếc bím tóc, Chiếc đồng hồ phủ đầy rêu.
Nhà văn yêu thích văn hóa, ẩm thực, phong cảnh Việt Nam, từng nhiều lần tới trải nghiệm cuộc sống. Tạ Lăng Khiết nói mỗi lần cùng chồng du lịch trên thế giới, chị luôn rủ chồng đến nhà hàng Việt. Tác giả dự định tới Việt Nam sống một thời gian, tìm chất liệu để viết sách mới.
Nghinh Xuân