![]() |
Nhà văn Tạ Duy Anh. |
Lão Tạ vốn không thích giao du, không thích bù khú, sợ cãi nhau và sợ cả nghe người khác cãi nhau. Cái mặt "lão" hình như cũng không hợp cho bất cứ chỗ nào phải làm ra vẻ quan trọng.
Từ dạo trở thành hội viên Hội Nhà văn VN cả thảy số lần Lão Tạ đặt chân vào số 9 Nguyễn Đình Chiểu là 3: một lần để nộp đơn, một lần để xin làm thẻ và một lần để lấy... thẻ về. “Lão” sợ nhất nguyên khí hao mòn vì lời khen, tiếng chê vớ vẩn. Tâm đắc với nó là dung túng cho thói lười nhác.
Theo Lão Tạ, nhà văn cứ nên học cách im lặng. Nghệ thuật không phải một cuộc diễu hành. Phàm anh nào “ọe” ra thật nhiều thì bụng khắc rỗng. Cho nên quỹ thời gian “lão” ở nhà chiếm tới 80-90%, vì ở nhà thì ít bị ngoại giới tác động. Lão Tạ bảo thời gian của đời người không nhiều. “Tuổi thọ” của cây bút lại càng ngắn. Ra được một cuốn sách rồi nghĩ rằng phải xả hơi tí chút có nghĩa là anh sẽ trượt dốc dài dài. Bây giờ sung sức thì viết liền một mạch, viết đến năm 60 tuổi rồi quẳng bút đi. Vì 60 tuổi, đầu óc xơ cứng mất rồi. Có sáng tác gì (trừ trường hợp xuất thần) cũng chỉ “nhai lại” cái mình có thôi.
Trong 4 tháng viết sách (dự kiến tung ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau), Lão Tạ không nhấp một giọt rượu nào - dù tửu lượng thuộc loại có hạng. “Lão” sợ uống vào rồi sẽ làm uế tạp “ngôi đền thiêng”. Vì văn chương phải là thứ sang trọng, lịch lãm, là bánh biscuit đắt tiền và đương nhiên không dành cho tất cả mọi người.
Lão Tạ luôn tin rằng viết văn nghiêm túc thì ắt bị kiệt quệ - theo đúng nghĩa đen của từ này. Khi viết xong Đi tìm nhân vật, “lão” đi... bệnh viện luôn. Cảm giác đuối sức, hụt hẫng và trống rỗng khủng khiếp. Mọi háo hức chờ đợi bay biến hết. Nhưng bù lại, thấy... sướng lắm, sướng hơn cả khoái cảm yêu đương. Sướng vì tâm hồn trở nên tuyệt vời.
Không phải ai cũng đủ khả năng hiểu được cái sự “tuyệt vời” trong tâm hồn sau khi rút ruột nhả tơ. Bằng chứng là trên mặt tiền của nhiều tờ báo xuất hiện “hội chứng” kêu khổ và tố khổ của văn sĩ. “Lão” chép miệng: “Nếu phải lựa chọn giữa bánh mì và hoa hồng thì người ta sẽ lựa chọn bánh mì. Sáng tạo nghệ thuật không ai ép buộc ai và cũng không ai cần ai. Vậy thì can cớ chi mà kêu”.
Lão Tạ khác người ở chỗ: không thích đi thực tế. “Lão” thực sự không tin rằng: một thằng nhà văn mà cứ phải đi thực tế mới có cái để viết lại là cái thằng đáng cho mình đọc! Có người sống đến 70 tuổi, bôn ba khắp nơi nhưng “lượng” sống không chuyển hóa thành “chất” sống thì chả ích gì.
“Lão” cũng giống hàng triệu người trên đất nước này ở chỗ chịu đựng nỗi đau rất giỏi. Nhưng tác động của nỗi khổ đau lên mỗi người một khác. Người điên khùng, người vô cảm, người tận dụng, người chạy trốn, người chỉ mưu cầu lợi ích riêng... Còn “lão”, nỗi đau tinh thần xuất phát từ hiện thực không ngừng vò xé ấy đã đẩy đến bàn viết. Con người không thể trốn chạy cuộc đời, ngay cả cái chết cũng không giúp họ trốn được một cách tuyệt đối. Thế thì, cách tốt nhất là đối mặt và giải phẫu nó. Khi đó, rủi ro và thất bại rất dễ xảy ra. Cảm giác bế tắc sẽ đến. Nhưng không có nó mới là điều đáng sợ.
Hiện Lão Tạ dành thời gian đọc 4 nghìn trang giáo lý Kinh Thánh. Nếu đọc nghiêm túc mất khoảng nửa năm mới xong. Hỏi về phim ảnh, kịch trường... “lão” rất lơ mơ. Thôi thì, người nào, vật nào, chỗ nấy. Cái tạng nó thế. Chỉ thỉnh thoảng nghe hòa nhạc cổ điển của Mozart, Bet...
Thật ra ngay từ đầu “lão” cũng chả hiểu quái gì về thứ nhạc không lời này. Nhưng hồi bị ốm (bị nghi mắc bệnh ung thư) chính nhạc cổ điển đã giúp “lão” thoát chết. Ngày nào cũng nghe vài bản sonate trong bệnh viện. Lần đầu tiên cứ như gõ thùng vào tai. Rồi tự dưng bỗng cảm thấy có cái gì đó thật vĩ đại. Rồi thấy rằng cuộc sống quả là lớn lao còn những gì mình sáng tạo chỉ là giấy vụn!
Ngoài nhạc cổ điển và đọc sách, “lão” còn thích xem chương trình Thế giới động vật. Xem động vật để gặp lại mình. Khi hổ báo rượt đuổi hươu nai với những cú phi thân rất ngoạn mục thì đó là sự hợp lý của tạo hóa, của cái đẹp. Lão bảo, khác với con người, con vật trong tự nhiên giết nhau để cân bằng sinh thái. Nếu anh cảm nhận được điều này, anh sẽ không còn thấy sự ác độc nữa. Hay chính xác hơn, những điều kỳ vĩ của tự nhiên kích thích trí tưởng tượng về cái cần thiết, về cái đẹp...
Đến giờ, dù kiếm được cái hộ khẩu Hà Nội, Lão Tạ vẫn cứ là người nhà quê và không bao giờ từ bỏ gốc gác nhà quê. “Thà nhà quê còn hơn thị dân nhăng nhít”. Nhưng "lão" thương bọn trẻ nhà “lão” không có những giây phút cắn rơm, đánh trận trên rơm, ngủ trên rơm. Bởi lẽ rơm rất mềm, rơm rất ấm. Và quan trọng là rơm rất an toàn.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)