Chúng mình làm bạn, con nhé? của nhà văn Phong Điệp giống như những trang nhật ký ghi lại hành trình của người mẹ đồng hành cùng con trong những bước đi đầu đời. Hàng loạt câu hỏi, thắc mắc hay những tình huống có thật mà bất cứ đứa trẻ nào cũng gặp phải được tác giả chia sẻ chân thành, đồng thời đưa ra những cách giải quyết đầy thuyết phục.

Sách Chúng mình làm bạn, con nhé?.
Phong Điệp cho biết các bài viết trong sách được tập hợp từ những lá thư chị viết cho hai cô con gái Sẻ đồng và Cún. Mỗi người mẹ có một cách bày tỏ tình cảm với con khác nhau. Có lẽ là người cầm bút nên Phong Điệp đã chọn cách viết cho con. Trước mỗi câu chuyện, vấn đề cần chia sẻ, hoặc những cảm xúc, chị lại viết những dòng yêu thương, rồi sau đó nói với các con: "Mẹ viết cho con đấy, để ở file ấy, chỗ ấy, con mở ra đọc nhé!".
Vì viết cho con, nên các bài viết trong cuốn sách như lời thủ thỉ, tâm sự, kể chuyện chứa chan tình cảm. Tác giả giải thích một cách thấu đáo những thắc mắc của con, hoặc đưa ra tình huống cụ thể mà con gặp phải, rồi hướng dẫn cách giải quyết. Vì sao mẹ sinh con ra trên đời này? Tại sao mẹ không đỡ con dậy? Tại sao con phải đi học? Con cần đối mặt với nỗi sợ hãi ra sao? Con nên giữ lời hứa như thế nào?... là những tình huống cụ thể mà nhà văn Phong Điệp đã trải nghiệm cùng hai cô con gái đang học tiểu học.
Giải thích cho con câu hỏi Con đã chào đời như nào?, Phong Điệp dùng những hình ảnh vừa dễ hiểu, vừa đầy tính văn chương nhưng cũng ăm ắp tình cảm, hạnh phúc của người mẹ. Chị viết: "Con ạ, bố đã gieo 'hạt giống' là con trên mảnh đất mẹ. Mẹ đã chăm sóc, nuôi dưỡng hạt mầm là con trong bụng của mẹ. Lúc đầu con chỉ bé xíu như hạt gạo. Rồi con lớn dần bằng hạt đỗ, rồi bằng hạt ngô, rồi bằng củ khoai. Mẹ tiếp 'nhiên liệu' cho con, giúp con lớn lên mỗi ngày bằng một sợi dây đặc biệt nối từ bụng mẹ vào rốn của con... Vậy tại sao con không chào đời sớm hơn? Ví dụ chỉ cần ở trong bụng mẹ 5 tháng thôi? Con ạ, 'hạt giống' là con rất cần được nuôi dưỡng cho thật cứng cáp để ra ngoài, tự lập. Thời gian cần thiết là 9 tháng. Khi ấy cơ thể con đã phát triển đầy đủ... Con cần một môi trường mới rộng rãi hơn...".

Tác giả Phong Điệp và hai cô con gái Sẻ đồng, Cún con.
Qua Chúng mình làm bạn, con nhé? nổi lên hình ảnh một bà mẹ hiện đại trong cách suy nghĩ, giáo dục con cái. Dù công việc có bận bịu đến đâu, nhà văn Phong Điệp vẫn luôn cố gắng dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với con. Kịp thời nắm bắt cảm xúc và suy nghĩ của con, người mẹ tạo nên sự tin tưởng cho con bằng những chia sẻ vừa tình cảm, vừa mang tính đối thoại, không áp đặt và luôn tôn trọng quyền của con cái.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh đánh giá cao cách dạy con của Phong Điệp qua cuốn sách Chúng mình làm bạn, con nhé?. Chị nhận xét: "Hãy cho mẹ cơ hội trở thành người bạn thân thiết của con! - Một lời đề nghị khẩn khoản, nghiêm túc và cảm động. Toàn bộ cuốn sách với những lá thư trò chuyện cùng con ngay từ ngày con chào đời đã cho em bé thấy cả quá trình người mẹ học để trở thành bạn thật sự và cho người đọc thấy quá trình ấy vừa tự nhiên lại vừa không đơn giản. Người mẹ không né tránh những câu hỏi băn khoăn thật thà của trẻ, không ngại kể những câu chuyện có vẻ người lớn, không nựng đứa trẻ bằng những âu yếm thái quá. Người mẹ tâm sự với con như với người bạn gái, phân tích sự việc xảy ra theo hai chiều: những cảm xúc mà mẹ đoán con đang có, và những cảm xúc mà mẹ từng trải qua khi rơi vào tình huống của con. Không phải người lớn nào cũng biết cách chia sẻ như vậy với trẻ con vì dù cố gắng làm bạn, nhiều người vẫn không quên họ lớn hơn, giỏi hơn và khôn hơn!"
Tác giả Phong Điệp hiện công tác tại Tuần báo Văn Vghệ. Chị là bà mẹ của hai cô con gái Sẻ đồng và Cún con. Bên cạnh những tác phẩm văn học được nhiều người biết tới như tiểu thuyết Lạc chốn thị thành, Blogger, các tập truyện ngắn Khi ta hai mươi, Giấc mơ bay qua cửa sổ, Vườn hoang... Phong Điệp còn viết sách cho thiếu nhi. Chị từng xuất bản hai cuốn sách Nhật ký sẻ đồng, Chào em bé và Những rắc rối ở trường mầm non.
Lam Thu