Nhà văn Mạc Ngôn. |
- Trong những tác phẩm của ông, người đọc dễ dàng nhận thấy hơi hướng nồng nặc của đất quê, và mối tình sâu đậm không thể tan chảy giữa ông với "huyết địa" làng Đông Bắc, Cao Mật?
- Chính trong truyện ngắn Cây đu bạch cẩu, lần đầu tiên tôi dò dẫm để giương ra cờ hiệu làng Đông Bắc, Cao Mật. Từ đó bắt đầu cuộc sinh nhai văn học quần tụ sơn hà, tung hoành ngang dọc. Tôi đã trở thành vị hoàng đế khai thiên lập địa của văn học làng Đông Bắc, để được tha hồ hò hét hạ lệnh, muốn ai chết là chết, để ai sống được sống, hưởng đủ cái lạc thú làm vua một vùng. Nào dương cầm, nào bom nguyên tử, nào bánh mì, thằng Tây rởm, cha cố thật... tôi đem nhét tuốt vào trong cánh đồng cao lương.
- Vì sao ông chỉ viết về làng quê của mình?
- Hơn 20 năm trước, khi mới bắt đầu viết, tôi không hề biết rằng làng Đông Bắc quan trọng đến thế nào với mình. Lúc đầu chỉ định viết truyện ngắn về đề tài quân ngũ với bối cảnh hải đảo, thế nhưng cái ập vào đầu óc tôi lại toàn là tình cảnh quê hương. Đất đai quê hương, dòng sông quê hương, cây trồng quê hương giống như ảo ảnh trên biển, chúng hiện ra trước mặt như lớp sóng xô.
Lúc ấy tôi cố gắng chống chế lại những cám dỗ máu thịt của quê hương đối với mình để viết về biển cả. Nặn mãi rồi cũng cho ra vài truyện ngắn kiểu này, nhưng nhìn vào đã biết ngay của rởm. Những thứ tôi mô tả không liên quan gì đến tình cảm trong tôi. Tôi không yêu, cũng chẳng ghét chúng. Mấy năm sau đấy tôi vẫn giữ khư khư thái độ chống chế lại quê hương cực kỳ sai lầm ấy.
Giống như gái thuyền chài có bàn chân ngón xòe, trai nhà nông có cặp chân vòng kiềng, cái thằng nhà quê đặc mãi đến năm 20 tuổi mới rời làng quê như tôi có hóa trang đến đâu cũng không thể giống nổi chàng công tử tao nhã. Truyện ngắn của tôi có đeo cho nó hoa gì đi nữa, thì nó vẫn cứ là truyện củ khoai. Kỳ thực, cùng với lúc tôi đang gắng sức rời xa quê hương, cũng từng bước tôi nhích lại quê hương một cách vô thức.
- Ông từng nói, nhà văn khó trốn chạy khỏi những trải nghiệm của bản thân, nhất là sự trải nghiệm từ quê hương?
- Ở vấn đề này, mối quan hệ giữa quê hương với sáng tác không quá quan trọng. Bởi nhiều nhà văn sau khi chạy trốn khỏi quê hương, có thể họ đã trải qua những chuyện kinh hồn. Nhưng với cá nhân tôi, những nếm trải sau khi rời khỏi quê hương chỉ là bình lặng và đạm bạc, bởi vậy tôi đặc biệt xem trọng cảm xúc có từ quê hương. Trong các tác phẩm của mình, chỉ có truyện ngắn Dòng sông khô cạn và truyện vừa Củ cà rốt trong suốt là tôi sử dụng trực tiếp những cảm xúc và ký ức làng quê.
(Theo Tiền Phong)