Nhà văn Lê Văn Thảo đã có một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư trước khi qua đời. Tin ông mất đến với văn giới không bất ngờ nhưng cảm giác bùi ngùi, hụt hẫng là không thể tránh khỏi. Tác giả Sóng nước Vàm Nao là một trong những gương mặt góp phần làm nên diện mạo của nền văn xuôi Nam bộ đương đại. Ông ra đi khi những khao khát được viết vẫn chưa nguôi ngoai.
Ở đời thường, Lê Văn Thảo là một kiểu người Nam bộ đặc trưng: hiền lành, chất phác và quyết liệt với chọn lựa của bản thân. Trên con đường cầm bút bền bỉ, Lê Văn Thảo chưa bao giờ mưu cầu bổng lộc và quan chức, chỉ chuyên tâm theo đuổi văn chương. Ngay cả khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM suốt 10 năm, ông thể hiện vai trò lãnh đạo bằng cách... tránh xa những nghi lễ phức tạp để đồng nghiệp có thời gian viết và mình cũng có thời gian viết.

Nhà văn Lê Văn Thảo.
Khi đã ngoài tuổi 60, Lê Văn Thảo vẫn say sưa đi và đọc. Ông đi khắp nước và đặc biệt hứng thú với hai vùng đất Cà Mau và An Giang. Lê Văn Thảo có thể bỏ ra vài ngày để tản bộ trên Núi Cấm hoặc lặn lội ở rừng đước Năm Căn. Sự ân cần và tận tụy với đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại cho Lê Văn Thảo nhiều tác phẩm ấn tượng như Làng lở, Ông cá hô, Sóng nước Vàm Nao...
Ngoài là người viết, ông còn là một độc giả siêng năng, đầy say mê với sách vở. Lê Văn Thảo không chỉ đọc những người cùng thời, ông rất thích đọc những người viết trẻ. Thỉnh thoảng gặp nhau, ông đề cập đến tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu hoặc Đỗ Bích Thúy... khiến tôi lắm phen giật mình. Ông đọc kỹ lắm, và nhận xét rất tinh.
Nhà văn Lê Văn Thảo khởi nghiệp cầm bút ở chiến khu Nam bộ. Tập truyện ngắn Đêm Tháp Mười xuất bản năm 1972 xem như cột mốc bắt đầu đời văn của ông. Thế nhưng, ông chỉ thực sự đạt được tầm vóc của ông vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Nghĩa là khi đã "tri thiên mệnh", Lê Văn Thảo mới định vị được bản sắc văn chương cá nhân. Ông đã mất hơn một thập niên để nghiền ngẫm và khám phá con đường sáng tạo với chữ nghĩa.
Ông khước từ những rao giảng khô cứng, những xu hướng thị hiếu, những cách tân thời thượng mà nhiệt thành "nhúng" chữ nghĩa của mình vào những mảnh đời thấp bé và bơ vơ. Cái thảng thốt tình cờ, cái mất mát vô cớ, cái hẩm hiu khó tránh... là điều Lê Văn Thảo ưu tư cho số phận con người. Các truyện ngắn Người viết thư thuê, Con mèo, Đứa con trở về, Anh cà khêu ghé qua làng... có thể xem như những minh chứng rõ nhất cho quan niệm văn chương của ông.
Lê Văn Thảo coi văn chương là chốn riêng tư. Ông không đố kỵ với ai và cũng không muốn ai phải lụy phiền. Tôi từng viết một bài phân tích vì sao những nhà văn từng lừng lẫy trong giai đoạn lửa đạn nhưng hòa bình thì lại buông bút. Tôi cho rằng, mấu chốt không phải ở tuổi tác hay độc giả, mà là góc nhìn của nhà văn.
Trong chiến tranh, có thể phân định địch - ta để viết dễ dàng, nhưng trong đời thường thì cuộc giằng co thiện - ác, đúng - sai lại khuất sau mỗi mái ấm, mỗi quan hệ, mỗi con người. Sự khác biệt ngỡ chừng mong manh và mơ hồ ấy, khiến nhiều người cảm thấy bất lực để tiếp tục viết như Lê Văn Thảo. Tôi có liệt kê một số nhà văn từng sung sức trước năm 1975 nhưng giã từ văn chương khi đất nước thống nhất. Nhà văn Lê Văn Thảo cảm ơn tôi cổ vũ ông, nhưng đề nghị: "Nếu sau này in sách thì đừng nhắc đến những nhà văn đã chấp nhận ngừng lại, vì họ đã làm xong sứ mệnh của họ trong sự tự trọng cần thiết". Đấy là một thái độ ứng xử khiến tôi kính nể ông.
Từ tuổi 70, dọn về sống ở khu Bình Lợi, Lê Văn Thảo ít tụ hội với giới văn chương. Thế nhưng, nhà của ông không mấy khi vắng khách vì nhiều thế hệ cầm bút quý mến phong cách gần gũi và chân thành của ông.
Lê Văn Thảo đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012, song ông không hề lấy mọi sự vinh danh để làm khoảng cách giữa mình và người khác. Ông biết cách chan hòa với hậu sinh và biết cách lắng nghe những tiếng nói không đồng thuận. Ông dang tay ra với hậu sinh và hậu sinh cảm nhận được sự độ lượng của một tiền bối có tấm lòng ấm áp.
Nhà văn Lê Văn Thảo còn nhiều dự định văn chương lắm. Ngay cả những ngày phải tới lui bệnh viện liên tục để điều trị ung thư, ông vẫn không giấu giếm ham muốn viết một cuốn sách về tuổi thơ nhiều biến cố của mình. Ông bảo cuốn Những năm tháng nhọc nhằn in năm 2012 đã phản ánh thời trai trẻ của ông, còn thời hồn nhiên cũng có nhiều chuyện rất đáng kể lại.
Bây giờ, ông đã xuôi tay với đất mẹ bao dung, khép lại một hành trình nhiều thử thách lắm thành tựu của một nhân vật tầm cỡ trong giới văn chương Nam bộ.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
>>Xem thêm: