Ngày 19/12, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty First News - cho biết nhà văn qua đời tại Bệnh viện dã chiến Bình Hòa, sau thời gian chống chọi với Covid-19. Vợ ông đang được điều trị tại một bệnh viện khác ở Thành phố Thủ Đức, cũng vì căn bệnh này.
Lê Khắc Hoan được bạn đọc biết đến qua hàng nghìn tác phẩm báo chí viết về ngành giáo dục từ thập niên 1970, 1980 đến nay. Suốt nửa thế kỷ qua, cuốn sách Mái trường thân yêu của ông được tái bản vài chục lần với hàng triệu bản in. Ở tuổi 79, ông ra mắt cuốn Làm báo - Mực mài nước mắt. Từng trang sách là những lời tâm sự, trải lòng của ông về những ngày đầu bước chân vào nghề viết cho đến khi tóc đã bạc màu vẫn đau đáu với nghề.
Khởi nghiệp từ nhà giáo rồi trở thành nhà văn nhưng Lê Khắc Hoan lại tâm đắc nghề báo. Ông có nửa thế kỷ chuyên tâm cho mảng báo chí về đề tài giáo dục, thời cuộc. Lê Khắc Hoan viết về sự hình thành, phát triển của nhiều tờ báo giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn cũ cũng như trong thời cơ chế thị trường mới - thời của những tích cực và tiêu cực đan xen, đòi hỏi người làm báo phải đấu tranh quyết liệt để giữ chữ tâm với nghề. "Quan trọng hơn hết là học được cách sống làm người tử tế, rèn giũa phẩm chất kẻ cầm bút", tác giả viết trong cuốn Làm báo - Mực mài nước mắt.
Lê Khắc Hoan sinh năm 1937, quê Thừa Thiên - Huế, dạy học từ năm 1954 đến 1966, sau đó công tác tại báo Giáo dục và Thời đại. Năm 1990, ông chuyển vào TP HCM định cư và khai sinh tạp chí Thế giới mới. Năm 1997, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục đảm đương vị trí chủ chốt cho nhiều ấn phẩm của ngành giáo dục. Năm 2015, ông mới ngừng công việc làm báo. Từ khi bước qua tuổi 80, nhà văn hầu như chỉ ra vào căn hộ ở một hẻm vắng quận Bình Thạnh.
Tác giả từng đoạt nhiều giải thưởng văn chương như: giải khuyến khích cuộc thi sáng tác của báo Thống nhất năm 1959, giải ba cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ năm 1960, giải nhất cuộc thi viết về thầy giáo và nhà trường năm 1961 với tác phẩm Mái trường thân yêu.
Vân An