Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1/8/1920 tại làng Phù Lưu, Tiên Sơn, Bắc Ninh. Nhà văn chỉ học hết tiểu học rồi sau đó phải đi làm thợ. Năm 1944, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc và bắt đầu con đường viết văn, cộng tác cho những tờ báo như Chi Lăng, Xông pha, Dân quân Việt Bắc…
Kim Lân gắn bó với truyện ngắn và thành công nhất ở thể loại văn học này. Đề tài quen thuộc của nhà văn là những con người lao động bé nhỏ, sống cuộc đời lam lũ, lầm than nhưng giàu lòng yêu thương, gắn bó với quê hương, đất nước. Kim Lân viết rất ít, rất chọn lọc. Trong cuộc đời mình, nhà văn chỉ xuất bản hai tập truyện ngắn: Nên vợ nên chồng (1955) và Con chó xấu xí (1962)… Nhưng với những truyện ngắn được xếp vào hàng kinh điển như Làng, Vợ nhặt… Kim Lân được đánh giá là cây đại thụ của nền văn học hiện đại Việt Nam. Khi được tin ông qua đời, nhà thơ Hữu Thỉnh bàng hoàng: “Vậy là văn đàn Việt Nam mất thêm một cây bút xuất sắc”.
![]() |
Nhà văn Kim Lân. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Sinh ra ở đồng quê Bắc Ninh, nhà văn cũng có nhiều trang viết hấp dẫn về thú quê hay những trò phong lưu đồng ruộng. Trong những trang viết như Đuổi tà, Con mã mái, Thổi ống sùy đồng… các trò dân gian như chọi gà, thả chim, đánh vật… hiện lên như những thú chơi thanh nhã, lành mạnh. Năm 2001, nhà văn được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Ngoài sự nghiệp văn học không đồ sộ nhưng rất tinh lọc, Kim Lân còn được kính phục và yêu mến qua tình bạn cảm động giữa ông và Nam Cao. Mối tâm giao giữa hai nhà văn gần như đồng trang lứa này đã đưa Kim Lân đến với vai diễn Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Sự xuất hiện của ông độc đáo đến độ, từ sau vai diễn ấy, độc giả có thêm một tên gọi nữa khi nhắc đến Kim Lân - ông Lão Hạc.
![]() |
Chân dung nhà văn dưới nét vẽ của con gái cả - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. |
Tháng 4/2006, trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn tâm sự, ông còn ấp ủ viết một truyện ngắn. Ý tưởng, xương cốt của nó đã thành hình, thành nét: “Truyện này đại khái là về một người đàn ông câm. Ông câm này nuôi một con chó. Tất cả những người sống quanh anh ta chẳng hiểu anh ta nói gì, nghĩ gì, kể cả mẹ của anh. Chỉ có con chó hiểu được anh. Cả hai đều không nói được cái tiếng mà những người quanh họ vẫn nói”, ông cho biết.
Từ đó đến nay đã hơn một năm, nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy, nhà văn vẫn luôn phải san sẻ quỹ thời gian ngắn ngủi của mình cho căn bệnh hen suyễn. Nhà văn Đào Thắng - Chánh văn phòng Hội nhà văn - cho biết: “Cụ đã rất già yếu, nhiều lần tưởng đã bị bệnh tật quật ngã nhưng cụ chống chọi được, lần này có lẽ là quá sức”.
Ngoài những cống hiến của bản thân đối với nền văn học Việt Nam, Kim Lân còn có đóng góp vô giá cho nền văn học nghệ thuật nước nhà khi sinh thành ra những họa sĩ tài năng như Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương, Mạnh Đức…
L.H.