Thanh Huyền -
Nhà văn Park Seong-won, 38 tuổi, đã xuất bản 2 tập truyện ngắn: Yi Sang Yi Sang Yi Sang và We Are Running (Chúng ta đang chạy). Khi được hỏi về văn chương, anh nói: "Văn học không có giá trị gì cả. Ngay cả khi được sử dụng theo lối có vẻ như là quan trọng, nó cũng chỉ như là phải cầm máu kịp thời khi chúng ta lỡ làm rách da thôi. Nhưng vì nó vô dụng nên nó không bao giờ gây áp lực đến ai hết".
Còn về tiểu thuyết, anh nói bóng gió: "Ví là thứ dùng để đựng một cái gì đó. Nhưng với những chiếc ví sang trọng hiệu Louis Vuitton chẳng hạn thì một số người lại không dám dùng đến chỉ vì sợ làm hư hại đến chúng. Tôi đang muốn nói đến một triệu chứng của thời hiện đại, khi một cái thật trở thành giả, không được sử dụng đúng mục đích".
![]() |
Thế hệ các nhà văn trẻ Hàn Quốc. |
Kim Jong-gwang, tác giả cuốn The History of Graffiti Literature, cho rằng: "Tiểu thuyết được coi là sản phẩm của xung đột. Nhưng tôi không hiểu điều đó. Tôi rút ngắn xung đột vào các nhân vật". Anh cũng tâm sự, viết là một công việc không thể nào rời bỏ. "Nếu không viết, tôi cảm thấy như không đưa được không khí vào phổi vậy".
Khác với nhiều thế hệ nhà văn trước, tiểu thuyết gia Lee Ki-ho không coi viết lách là điều gì đó siêu phàm, không nhìn nhận văn học như một sứ mệnh. Anh định nghĩa "viết văn là một nghề, một thứ đầu tư may rủi nhưng tuân theo thứ quy luật khác với quy luật của kinh tế".
Shim Yoon-gyeong lại là một sinh viên ngành sinh vật học rẽ ngang sang viết văn. Nhưng khi được hỏi liệu chị có chọn nghề viết nếu được sinh ra một lần nữa, cô trả lời: "Tôi chưa bao giờ nghĩ đến tình huống đó". Với Yoon-gyeong, hiện tại là quan trọng nhất. "Viết có thể là hạnh phúc hoặc tai ương. Nhưng ơn trời là tôi có mục tiêu để theo đuổi trong cuộc đời", cô nói.
(Nguồn: dong A)