- Trong phát biểu nhận giải, chị nói: "Tuy sống lưu lạc ở nước ngoài, nhưng tôi được đọc nhiều sáng tác của các nhà văn trong nước. Những tác phẩm đó thôi thúc tôi cầm bút". Chị thực sự bị thôi thúc bởi những tác phẩm cụ thể, hay đó chỉ là một lời đáp lễ xã giao?
- Đó không phải là một câu nói xã giao. Tôi đọc khá nhiều, và bị ấn tượng bởi những tác giả tác phẩm cụ thể, nhưng nếu nói rõ ra, tôi e mình không kể đầy đủ hết được.
- Vậy điều gì thôi thúc chị viết "Và khi tro bụi"?
- Tôi rời Việt Nam từ năm 1977 và về nước cách đây 10 năm. Tôi luôn tự nhủ, mình phải làm gì đó để đánh dấu sự trở về này. Nó ám ảnh tôi như là một món nợ phải trả. Mà nợ ai? Có lẽ là nợ chính mình.
Và khi tro bụi được viết phần lớn ở nước ngoài. Khi về Việt Nam, tôi gắn kết các chương với nhau và chỉnh sửa lại một cách hoàn chỉnh.
![]() |
Nhà văn Đoàn Minh Phượng (trái) nhận giải thưởng của Hội Nhà văn. Ảnh: L.H. |
- Khi viết, một nhà văn hải ngoại, sống lâu năm ở nước ngoài như chị gặp phải những khó khăn gì?
- Mỗi con người có một lịch sử cuộc đời riêng. Lịch sử đó tạo nên kỷ niệm, kinh nghiệm và quan niệm cá nhân của họ. Theo tôi, nhà văn luôn phải đối diện với quá khứ, để hiểu nó, để biết mình là ai. Nhưng khi sống xa quê, cơ hội nhìn lại ký ức trở nên ít đi. Hay nói cách khác, quá khứ bỗng dưng trở thành một hình ảnh đóng băng, không chuyển động. Một người tha phương nhớ về quá khứ cũng giống như con cá nhớ về dòng sông khi không còn quẫy đạp trong dòng sông đó nữa.
Một mặt, chúng tôi đủ trưởng thành để nhớ về gốc gác Việt, để biết mình không phải là người nước ngoài. Nhưng mặt khác, chúng tôi đối diện với khó khăn của những người mang theo cái quá khứ đã đóng băng, bất động.
- Vậy còn những trở ngại khi quay lại tư duy, sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ?
- Sau khi rời Việt Nam, đến hơn 10 năm tôi không đọc tiếng Việt. Khi đọc lại, tôi rất xúc động và cảm nhận được cái hay, cái đẹp mà ngôn ngữ này chuyên chở. Tôi muốn đọc thêm, thêm nữa, thậm chí muốn viết ra những điều mình nghĩ. May mắn là tôi học khá nhanh. Thời kỳ đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn và thường xuyên phải tra từ điển.
- Truyện của chị được viết bằng thứ văn giản dị, sâu, nhưng dường như vẫn thiếu sự nồng nhiệt, thiếu sự đốt cháy tận cùng cảm xúc của cái tôi người viết. Chị nghĩ sao?
- Tôi có lối viết khá lạnh. Khi viết, tôi luôn tự kiểm soát tình cảm của mình. Bởi tôi sống trong một thời đại không có gì là tuyệt đối. Yêu, ghét, hận thù đều không đến cùng và không tuyệt đối nên tôi không "buông thả" ngòi bút.
![]() |
Trang bìa cuốn "Và khi tro bụi". |
- Những nhà văn nước ngoài nào ảnh hưởng hay gây ấn tượng lớn cho chị?
- Ở đây có một sự mâu thuẫn. Khi viết, tôi luôn cố tiết chế cảm xúc. Nhưng những nhà văn mà tôi thích lại là những người viết rất nồng nàn. Họ nói và viết bằng cả mạng sống của chính mình. Ngày nay, người ta không viết nồng nhiệt, hết mình như ngày xưa. Dấu hiệu của sự thiếu nồng nhiệt này biểu hiện ở nhiều góc độ. Ví như, xưa, người ta viết về tình yêu thì bây giờ người ta viết về tình dục; xưa, người ta nói về đức tin thì bây giờ người ta nói đến sự hoài nghi...
- Chị thường viết vào thời gian nào?
- Tôi viết vào buổi tối và thường thức rất muộn.
Tôi thường nghĩ ra cốt truyện, dựng dàn bài và viết từng chương rời rạc. Tôi không viết theo trật tự nào hết mà nhảy cóc chương này sang chương nọ. Sau khi viết xong, tôi mới quay lại và kết nối chúng với nhau. Thường thì khi lắp ráp, tôi chọn lọc và bỏ đi rất nhiều chương. Cũng giống như trong điện ảnh, người ta quay rất nhiều cảnh rồi lựa chọn những cảnh đẹp nhất, đạt nhất.
- Ngoài viết văn, chị còn làm đạo diễn, nhà sản xuất phim. Chị nhận xét thế nào về mối liên hệ giữa văn học và điện ảnh?
- Điện ảnh dùng ngôn ngữ thị giác còn văn học sử dụng chữ cái là chính. Trong điện ảnh, thoại chính là văn học. Tôi không muốn đem quá nhiều thoại vào trong phim. Tôi phân biệt hai loại hình nghệ thuật này khá rạch ròi.
- Tại sao khi nhận lời phỏng vấn, chị lại không muốn "quay hình"?
- Tôi không muốn xuất hiện nhiều trên truyền hình. Vì khi về Việt Nam, tôi rất hay la cà ăn quà vặt. Tôi muốn được tự nhiên ăn trứng vịt lộn hay đi xe ôm mà không bị nhiều người nhận ra. Thời gian này, tôi cũng đang hết sức tránh, nên nếu phải đưa hình ảnh của tôi trong lễ trao giải, mong bạn sử dụng những bức hình chụp xa, để mọi người khó nhận ra tôi hơn.
Lưu Hà thực hiện