Đinh Quang Tốn -
Nhà văn Đào Vũ. |
Tâm huyết với nghề văn, Đào Vũ nhiều năm làm Báo Văn nghệ, từ biên tập viên đến chức Quyền Tổng biên tập, khi mà số lượng các báo trên cả nước còn rất ít. Ông tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IV.
Nhắc đến Đào Vũ, mọi người đều nhớ ngay ông là tác giả tiểu thuyết Cái sân gạch với nhân vật lão Am, một hình tượng văn học điển hình của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ những năm cuối thập kỷ năm mươi, đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước. Lão Am là một nông dân chăm chỉ, năng động, có nghị lực và biết cách làm giàu. Lão chần chừ không muốn vào hợp tác xã vì thấy phương pháp tổ chức ấy không mang lại hiệu quả kinh tế. Những phẩm chất của lão Am rất gần với yêu cầu về người nông dân trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Hình tượng lão Am mãi mãi còn sống trong lịch sử văn học Việt Nam dẫu điều kiện xã hội đã thay đổi.
Hình tượng lão Am của nhà văn Đào Vũ có giá trị dự báo về những bước đi quanh co của nông thôn Việt Nam trong tiến trình lịch sử do sự gắn bó toàn tâm toàn ý với cuộc sống của nhà văn.
Điều này, V.I. Lênin đã từng chỉ ra đối với trường hợp L. Tolstoi và những tác phẩm của ông: "Và nếu trước mặt chúng ta là nhà nghệ sĩ thực sự vĩ đại, thì người đó phải phản ánh được trong tác phẩm của mình ít ra là vài ba khía cạnh căn bản của cuộc cách mạng" (L. Tolstoi, tấm gương phản chiếu Cách mạng Nga - Lênin toàn tập, tập 17, NXB Tiến Bộ, Moskva, 1979, trang 249, bản tiếng Việt). Suy rộng ra, có nghĩa là một nhà văn thực sự có tâm và có tài, thì dù nhà văn mang tư tưởng nào, tác phẩm cũng sẽ tự vượt ra ngoài ý định của nhà văn, mang được vài ba khía cạnh bản chất của cuộc sống.
Càng ngày chúng ta càng thấy rõ, nhà văn Đào Vũ với nhân vật lão Am và tác phẩm Cái sân gạch là một trường hợp như vậy. Đào Vũ cổ vũ cho phong trào hợp tác xã nông nghiệp, nhưng hình tượng lão Am chân thực lại có cuộc sống riêng không cổ vũ cho phong trào ấy. Tuy hiện nay hợp tác xã nông nghiệp hình thức cũ không còn, nhưng hình tượng lão Am, các nhân vật, sự kiện được ông xây dựng sống động, có hồn, cùng tác phẩm Cái sân gạch và nhà văn Đào Vũ sẽ còn được nhiều thế hệ bạn đọc nhớ mãi.
Ngoài tiểu thuyết Cái sân gạch, nhà văn Đào Vũ còn có dăm bảy chục tập sách khác, đủ các thể loại tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký. Ông còn dịch hơn chục tập sách của các tác giả Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và sáng tác nhiều truyện cho thiếu nhi. Ở thể loại nào, ở mảng đề tài nào, ông cũng có những trang viết để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Tiêu biểu là các tiểu thuyết Vụ lúa chiêm, Con đường mòn ấy, Bộ ba Lưu lạc - Dải lụa - Hoa lửa, Bí thư cấp huyện, Con than ngơ ngác, truyện viết cho thiếu nhi Trăng rơi xuống giếng, Yleng...
Những năm cuối đời, ông ấp ủ và trăn trở nhiều với tập tiểu thuyết Sông Hồng nước đỏ viết về quê hương Hưng Yên của ông trong kháng chiến chống Pháp mà nhân vật chính là nữ Anh hùng Công an nhân dân Bùi Thị Cúc. Tiếc rằng tập sách chưa kịp hoàn thành thì ông đã vội đi xa. Có thể là đề tài về quê hương quá lớn, cũng có thể ông không còn sức trẻ của thời viết Cái sân gạch để nhanh chóng hoàn thành tác phẩm. Nhưng chỉ với những trang đã viết cũng đủ thấy hết tấm lòng của ông đối với con người và mảnh đất quê hương, thấy hết sự tâm huyết của ông đối với văn chương nghệ thuật.
Đào Vũ còn là một nhà văn rất quan tâm chăm sóc bồi dưỡng các thế hệ nhà văn trẻ. Khi còn công tác ở Báo Văn nghệ, ông để tâm phát hiện các cây bút, thường xuyên trao đổi, góp ý, sửa chữa bản thảo cho các cây bút trẻ. Ông đến nhiều với các trại viết của các địa phương, chân tình góp ý xây dựng Hội Văn học nghệ thuật ở các miền đất nước. Nhà văn Đào Vũ là người dễ gần, dễ mến. Nhiều nhà văn các thế hệ và bạn đọc còn lưu giữ những kỷ niệm tốt đẹp về ông.
Riêng tôi, không hiểu sao mỗi khi nghĩ về nhà văn Đào Vũ, tôi lại nghĩ đến cây gạo tây cổ thụ ở cơ quan huyện quê của hai chúng tôi, mà ông gọi là cây ngô đồng. Ông đã có bài viết và ảnh chụp dưới gốc cây này in báo. Có phải vì vóc dáng cao to khác người của ông mà khuôn mặt ông trông lại giống gương mặt Phật? Hay là do khối lượng đồ sộ những tác phẩm ông để lại cho đời mà đỉnh cao là tác phẩm Cái sân gạch bất hủ? Ông không chỉ là một cây gạo cổ thụ của quê tôi, ông đã trở thành một cây gạo già trong nền văn học nước nhà. Ông là một trong mấy chục nhà văn hàng đầu của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX.
(Nguồn: Công an nhân dân)