Lúc đó, cô ấy chỉ nhìn mình dửng dưng là đã mất ăn cả ngày rồi. Khi được cầm tay cô ấy mình hết đói cả tuần, khi có nụ hôn đầu tiên, lúc nào cũng cảm thấy no nê…
![]() |
Nhà văn Chu Lai. |
Giá trị tinh thần lấp đầy giá trị vật chất. Tình yêu lãng mạn tột cùng. Trước khi lên đường đi chiến đấu, tôi được “sống” với cô gái mình yêu. Chàng trai 22 tuổi, cô gái 18 tuổi tràn trề sinh lực và khát khao yêu đương ở bên nhau trong căn nhà sơ tán hết, cả Hà Nội xao xác, chỉ có 2 đứa “sở hữu” căn nhà và cái sân thượng. Thế mà sau 3 ngày, 3 đêm cô ấy vẫn còn nguyên là con gái.
Lãng mạn thế cơ mà, chỉ vì sợ nếu quá đà mà mình đi mình chết thì sao? Thế rồi cái lãng mạn ấy còn bị cái lãng mạn phong trần đè át lên trên. Cho nên tôi vẫn dám bỏ cô ấy để ra đi.
Vào chiến trường thì nửa thời gian quân ngũ, bộ đội chủ lực không biết đến bóng dáng phụ nữ. Chỉ có những “binh đoàn đực rựa” đi kiếm đất, kiếm rừng. Muốn gặp được một cô gái thì phải… bị thương, vào trạm xá ở giữa rừng may ra mới có một cô hộ lý. Vậy mà tôi lại không bị thương. Suốt 5 năm không có hình bóng cô gái nào, tôi quên cả khái niệm yêu đương.
Đến năm 1970, bộ đội chủ lực được xé lẻ thành các đơn vị thiện chiến đặc công trong đó có tôi xuống vùng ven. Lúc này ở gần dân mới được nhìn thấy con gái: du kích, giao liên, đặc công. Đêm đêm lại được gặp con gái ở ấp chiến lược. Bắt đầu cuộc sống đời thường với hình ảnh phụ nữ ào đến. Anh Chu Lai ấy lại có cảm hứng… yêu.
Thế nhưng, phần lớn các cuộc chiến đấu ở vùng ven Sài Gòn ấy ác liệt đến nỗi chưa kịp yêu thì mình chết hoặc cô ấy chết rồi. Nếu có tình yêu thì đó là tình yêu trước sự vĩnh viễn mất đi. Đã có thời gian tôi nằm hầm mật với những người phụ nữ cấp ủy, với cô bí thư chi bộ, với chị tỉnh ủy viên…
Nằm hầm mật là dấu ấn mà sau này viết mãi những trang sách không cạn. Có 2 tình huống xảy ra. Một là, lúc nào cũng có thể chết vì Mỹ xông vào tiêu diệt cho nên kính trọng nhau quá mà không nỡ làm gì tổn thương đến nhau mặc dù da thịt luôn áp sát. Hai là, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh thì tiếc gì mà không… cho nhau! Có lần trong thời gian ký Hiệp định Paris, tôi nằm với cô bí thư chi bộ thì tình huống thứ 2 xảy ra.
Tình yêu cứ len lách trỗi dậy từ trong tim nhưng nó lại hoàn toàn bị chi phối bởi tiết tấu của cuộc đời. Tiết tấu thời đó lãng mạn và gần như là thống khổ, dân tộc điêu linh nên người ta nghĩ về giá trị tinh thần nhiều hơn những giá trị khác. Còn bây giờ thời bình, tiết tấu công nghiệp ngổn ngang, cuồn cuộn xung quanh mỗi người với cả thác lũ thông tin đổ vào thì bản chất tình yêu không thay đổi nhưng phương thức yêu nhau đã biến động.
Ví dụ, họ yêu nhau nhanh hơn, tốc độ hơn, cho nhau dễ dàng hơn và bỏ nhau… chóng vánh hơn. Bây giờ để có câu tỏ tình lãng mạn như ngày xưa hiếm lắm. Họ tỏ tình bằng những “động từ mạnh”: Tôi cần em, tôi muốn em, thậm chí có những cô cậu còn mạnh dạn: Tôi thèm em.
Người ta thường nói: “Đàn ông cả thèm, chóng chán cho nên con gái khôn là phải biết giữ lấy thân”. Thường khi sự dâng hiến của con gái mà nồng cháy thì nó sẽ đánh vào sự xúc động của người nhận khiến họ lại càng yêu hơn. Nhưng với thằng con trai nào nông cạn, thực dụng mà cô gái vội vàng dâng hiến, kể cả dâng hiến bằng những hành động đẹp đẽ thì tình yêu vẫn dễ bị ngãng ra.
Khi yêu, các cô gái nên nhìn vào mắt anh ta để đo, đếm sự trung thực chứ đừng nghe anh ta nói. Nhưng tất nhiên, những “chàng” càng nói lưu loát thì nội lực tình yêu càng trống rỗng. Riêng với nhà văn có khả năng triển khai ngôn ngữ như Chu Lai thì ông ấy yêu bằng nắm tay thì cũng nói đúng bằng nắm tay chứ chẳng ai bắt ông Chu Lai ấp a, ấp úng được.
Nhà văn Chu Lai
(Theo Tiền Phong)