![]() |
Nhà văn Chu Lai. |
Trông mình ngầu thế này, mái tóc quái dị, mặt đầy vẻ nhậu nhẹt nhưng thực chất chẳng biết đến rượu bia và cũng không ham đàn đúm. Nguyên tắc bất di bất dịch của mình là tôn trọng lịch làm việc. Hoàn cảnh tạo ra hoàn cảnh, bà xã mình quanh năm làm bạn với đường xa, cậu con trai đi bộ đội, một tuần đảo qua nhà một lần, cô đơn càng nhiều thì suy tưởng càng phong phú. Mình đã biến nhà riêng thành một trại sáng tác và hạ quyết tâm một tháng nữa phải hoàn thành Cuộc đời dài lắm để bắt tay thực hiện thiên tiểu thuyết 3 tập về chiến tranh kéo dài từ 1945 đến 1975. Cuộc đời dài lắm là cuốn sách mình viết nhọc nhằn nhất, lâu nhất nhưng chưa chắc đã hay. Đây là đề tài hóc hiểm mà mình chưa thực sự ham tường như đề tài chiến tranh và người lính.
Theo mình. khi đặt bút viết, phải đặt vấn đề viết như thế nào cho hấp dẫn, chứ không phải mải mê với những ý tưởng lớn, gai góc nặng nề tuyên truyền như trước đây. Thế nên, mình đã rẽ vào những vấn đề của cuộc sống đời thường, đến tuổi trẻ và tình yêu và những lo toan thời mở cửa. Mình viết vì tâm huyết, vì muốn làm được cái gì đó chứ chẳng phải vì tiền.
Mình vừa làm một việc xấu xa là chuyển cuốn tiểu thuyết Ba lần và một lần thành kịch bản phim Mùi rừng dài 12 tập và tháng 7 tới sẽ được bấm máy do nghệ sĩ Huy Thành làm đạo diễn. Nội dung phim xuất phát từ ý tưởng: "Sao dân tộc ta trong chiến tranh kiên cường thế mà trong thời bình đôi khi có người nhẫn nhục chấp nhận sự đàn áp của một vài ông chủ nước ngoài? Lòng tự hào dân tộc đã buộc mình phải lên tiếng và đó cũng là tiếng nói của nhân vật mới trong phim".
Mới đây, Cục Điện ảnh đã gặp mình và 6 tác giả khác, cho phép các tác giả được đầu tư chiều sâu để có điều kiện sáng tác những tác phẩm giá trị. Điện ảnh xem ra vẫn chưa thực sự chú ý đến vấn đề thu hồi vốn. Chỉ khi nào họ thấm thía với từng đồng tiền bỏ ra, kiểu như đôi vợ chồng phải bán nhà để làm phim, một cặp tình nhân phải chạy ngược chạy xuôi vay lãi cắt cổ để làm phim... họ mới riết róng tìm kịch bản hay, đạo diễn giỏi, diễn viên tài…và vắt óc ra để nghĩ cách tiếp thị.
(Theo Văn Hoá)