![]() |
Nhà văn Chu Lai. |
Nhà văn tâm sự: “Cảm giác cô đơn càng nhiều, sức suy tư càng mạnh. Khi chấp nhận một sự cô đơn hữu hiệu, ngọt ngào, những con chữ viết ra sẽ như những giọt sáng để neo tâm hồn vào cuộc đời”. Vì không ưa ồn ào, nên anh sống lặng lẽ trong căn nhà nằm sâu trên phố nhà binh (Lý Nam Đế). Từ chối mọi cuộc vui do bạn bè tổ chức, xuất hiện một vài lần trên truyền hình khi không thể từ chối, nhưng những buổi nói chuyện về người lính cho học sinh sinh viên thì anh không bao giờ vắng mặt. Tuổi trẻ của anh đắm trong không khí hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chu Lai thư sinh gày gò, gia nhập quân đội, sau đó trở thành một chiến sĩ đặc công. Những cảnh tượng phụ nữ bị địch giết hại, hình ảnh khuôn mặt, bắp chân những cô gái giao liên xinh đẹp cứ xanh dần theo màu lá rừng hằn sâu trong tâm thức anh. Chu Lai nói: “Chiến tranh khốc liệt đã làm tan loãng mọi thứ cảm xúc, xoá bỏ ranh giới thời gian, không gian, cái còn lại duy nhất là bản năng tự vệ”.
Trở về từ chiến trường, cảm giác đầu tiên là sự hụt hẫng, vì những năm tuổi trẻ dường như bị đánh tụt để lại sau lưng. Anh gặp chị, cô gái với má lúm đồng tiền, ở trại viết văn Đà Lạt năm 1977. Anh thổ lộ: “Tôi viết, nàng biên tập. Biên tập từng chương, biên tập toàn quyển, biên tập quá đà... biên tập cả cuộc đời cho nhau”. Họ đã cùng nhau vượt qua bao giông tố của cuộc sống.
Ở thời khắc mà tiếng động của dạ dày lấn át tiếng gọi văn chương, anh vẫn ghì vào bàn mà viết. Đó là quãng thời gian vật vã, ngày nào cũng tự chiến đấu với mình. Những ngày tháng vật vã ấy đã giúp anh có được Ăn mày dĩ vãng, Nắng đồng bằng, Vòng tròn bội bạc, Phố...
Phần lớn tác phẩm của Chu Lai là viết về chiến tranh, nơi anh sống thời trai trẻ với bao lý tưởng, ước vọng. Cuộc sống vất vả không bóp nghẹt tâm hồn lãng mạn, cảm xúc của anh. Văn chương trong anh là một đời sống say mê, có thật. Anh viết văn như một chuyện tự nhiên, viết về những đồng đội, những cô gái giao liên, những ngày chiến đấu oanh liệt.
Văn của anh trần trụi nhưng không tuyệt vọng, nó bộc lộ cái tinh tế, chân thật, cái thật đến từ tâm của người viết và sự giàu có cảm xúc, khởi nguồn từ những gian truân, hiểu đời. Với anh, chiến tranh là một siêu đề tài, hình ảnh người lính là một siêu nhân vật, đề tài chiến tranh như một mỏ quặng, càng đào sâu, càng màu mỡ. Cái màu mỡ đó chính là văn học.
Điều mà anh trăn trở nhất là dành thời gian để viết một cuốn tiểu thuyết sử thi về chiến tranh kéo dài từ năm 1945 đến năm 1975, viết như trả nợ lần cuối cho bạn bè, vẫn trên một cái nền chiến tranh đậm đặc.
(Theo Gia Đình Xã Hội)