![]() |
Nhà văn Chu Lai. |
- Thế còn những ám ảnh khác của anh?
- Là sự vô cảm trước những nỗi đau nhân tình. Một khi các lỗ chân lông không còn mở ra để cảm nhận được những bất hạnh cuộc đời thì tốt nhất nên chuyển sang làm nghề khác. Cái đáng sợ nữa là khoảng cách không thể xích lại gần giữa nhà văn và bạn đọc. Rất may hình như tôi cũng chưa có dịp được rơi xuống cái vực này. Nhưng sẽ rơi nếu một khi anh coi thường độc giả.
- Quan niệm của anh về nghiệp viết?
- Nghề viết có một nghịch lý thế này: ngoài đời anh càng ngu ngơ thì trong văn anh càng sắc sảo, ngược lại, ngoài đời anh càng sắc sảo thì văn lại ngu ngơ, đọc chán lắm. Cũng vậy, thường cái anh nói ít lại viết nhiều, ngược lại, cái anh nói nhiều lại viết ít. Bởi, bản chất của sáng tạo là nghe, nhìn cảm, quan sát chứ không phải là nói. Nói đã có các vị truyền giáo rồi. Chứ còn nhà văn thì chỉ nên âm thầm đi, âm thầm đọc, âm thầm viết, âm thầm ra sách.
- Anh đến với văn chương như thế nào?
- Cuộc đời trận mạc chỉ cho tôi cái cớ, tức là cảm xúc và vốn sống chứ thực ra tôi nhập hồn văn chương từ thuở nhỏ, khi còn là một cậu bé lớp 5 đêm đêm ngồi nghe các cụ Thế Lữ, Đào Mộng Long... đàm đạo về kịch, về văn với cha tôi. Mà cũng không phải là khoái ngồi nghe, chỉ vì căn phòng có hai chục thước vuông chứa cả gia đình 6-7 người, các cụ ngồi thì mình phải ngồi theo vì có chỗ đâu mà ngủ. Tiếp đến là những buổi trốn học ra bờ sông thả tâm hồn vào hoang mạc. Bé tí mà đã man mác buồn. Thế rồi lên đường ra trận. Cả một quãng đời ghê gớm, đậm đặc nhất ùa vào. Không chết, còn sống, không biết làm gì thì viết. Nghiệm ra cái nghiệp văn chương nó nhập vào mình có khi ngay từ trong bụng mẹ.
- Kỷ niệm của anh về tác phẩm đầu tay?
- Nói lại thì buồn cười. Đó là truyện Hũ muối người Mơ Nông, viết từ năm 1963, đăng trên báo Độc lập. Bây giờ mà đọc lại truyện ấy thì ngượng lắm vì viết theo kiểu người tốt việc tốt, ca ngợi khí tiết người Tây Nguyên. Còn sau này, nếu truyện ngắn theo đúng nghĩa đầu tay lại là cái Kỷ niệm vùng ven đăng trên Văn nghệ, sau năm 1975. Cầm số báo trên tay, ngồi trong một quán sinh tố trên đường Hai Bà Trưng đọc trân trân mà không để ý đến các cô gái đi qua cứ lạ lùng liếc vào, bảo nhau: "Mấy ông Việt cộng cũng chăm sóc báo dữ hè!".
- Giả sử có ai đó bỗng dưng không cho anh viết nữa, anh sẽ làm gì?
- Lập tức đi kiếm một việc gì đó đơn giản để làm. Bởi nghề viết là nghề khổ. Khổ hơn tất cả mọi nghề, kể cả nghề cầm súng. Chiến tranh khiến thần kinh quá tải, lúc cầm bút, thần kinh còn quá tải hơn. Đã nhiều lần muốn buông bút nhưng đến giờ vẫn chưa làm được vì nó như một nghiệp chướng, một cái nợ. Mà đã là cái nợ rồi thì khó thoát nổi.
- Vì thế mà anh hay đóng cửa, viết suốt ngày?
- Tuỳ cơn. Đã lên cơn thì cả ngày cả đêm, cơn không lên có khi cả năm cả tháng nằm khàn. Cơn lên, viết nhanh lắm, một cuốn 3-4 trăm trang có khi chỉ vài tháng. Cơn lặn, nhiều khi dằng dai cả năm, hai năm mà vẫn đuỗn ra. Hơn nữa văn chương không tuân thủ cái nguyên lý lượng biến thành chất như các loại hình ý thức khác. Có người viết rất nhiều, nhiều đến ngốt người nhưng rồi chả để lại một dòng nào trong trí nhớ người đời. Nhưng có người chỉ một bài thơ, một cuốn sách mỏng năm bảy chục trang mà trở thành bất tử.
- Nhà văn nào là thần tượng của anh?
- Hiện tại thì không. Nhưng hồi mới vào nghề thì chịu ảnh hưởng của nhà văn Lê Khâm trong nước và Merime, tác giả của Carmen. Ảnh hưởng của Lê Khâm là sự lãng mạn trong trận tiền, còn của Merime là dữ dội của tính cách nhân vật.
- Các mối tình ảnh hưởng thế nào đến sáng tác của anh?
- Chả hiểu có phải do gien không mà tôi yêu từ rất sớm. Yêu láng máng, yêu ngẩn ngơ tuổi học trò. Yêu thực sự, yêu khổ đau khi vào ngưỡng cửa sinh viên. Mối tình đầu xuất hiện cũng là lúc lên đường ra trận. Cô nữ sinh cấp 3 trường Trưng Vương ấy thề sẽ chờ đợi, nếu tôi có què cụt chân tay thì sẽ nuôi suốt đời. Chục năm sau, trở lại, chân tay còn nguyên nhưng cô ấy lại bế con của người khác đến thăm. Không buồn. Chiến tranh mất mát ghê gớm quá, ngày nào cũng chôn nhau để chờ đến lượt chôn mình, cái mất này nhẹ tênh. Đúng là hiện thực cuộc sống nhiều khi chả giống tiểu thuyết tí nào.
- Những hoài niệm chiến tranh đã in dấu ấn thế nào trong tác phẩm của anh?
- Chiến tranh mang đến đau thương, mất mát, trần trụi, khốc liệt, nhưng cũng rất hào sảng, lãng mạn. Con người được đẩy đến tận cùng mọi số phận, mọi buồn vui và từ đó tính cách bật lên. Nhân vật của tôi không quá bi thảm, quá yếu đuối, đớn hèn nhưng về cuối bao giờ cũng chết.
- Các nhà xuất bản ứng xử với tác phẩm của anh thế nào?
- Hai nhà xuất bản Quân đội và Văn học đối với tôi như người nhà. Và chính vì cái tâm tình ấm áp ấy mà tôi say viết lách hơn. Còn nhuận bút ư? Có lẽ thôi xin đừng nhắc đến từ này. Quá thấp. Có lẽ là thấp nhất thế giới.
- Đang mùa SEA Games, nói chuyện thể thao, anh có mê thể thao không?
- Quá mê. Đến nỗi nhiều khi cứ cảm thấy là đi nhầm nghề. Nhưng lại không thích bóng đá, trừ khi các trận đã vào vòng trong bắt đầu có số phận vui buồn. Tôi cũng thích quyền anh. Đang bận gì thì bận nhưng có quyền anh là bỏ đấy đã. Có lẽ đó là dấu vết nghề nghiệp của một thời đặc công.
(Theo Văn Nghệ Trẻ)