![]() |
Nhà văn Chu Lai. |
- Đa số các nhà văn thường có cách hồi tưởng về chiến tranh với niềm tự hào về một thời oanh liệt, còn trong các tác phẩm về chiến tranh của anh luôn có những kết thúc buồn và day dứt. Vì sao vậy?
- Chiến tranh thực sự là những kỷ niệm đẹp và buồn. Tất cả những kỷ niệm có liên quan đến máu và nước mắt không bao giờ vui cả nên người ta không thể không bị ám ảnh. Nếu đã đi qua dù chỉ một ngày trong chiến tranh, tự tay chôn dù chỉ một đồng đội thôi nó cũng hằn dấu vết đến suốt đời. Bản thân tôi lao vào trận mạc với tất cả sự lãng mạn của một chàng trai Hà Nội nhưng khi vấp phải chiến trường thì sự lãng mạn vỡ vụn.
- Vậy điều gì khiến anh đi hết một cuộc chiến trong tư thế một người lính?
- Ý chí và bản năng tồn tại. May là chiến tranh không phải chỉ có hoảng loạn, đau đớn, khổ ải. Nó bao giờ cũng có hai gam: dữ dội đến tận cùng nhưng cũng lãng mạn đến tận cùng. Tất cả những cuốn sách của tôi đều chứa đựng cả hai gam này và tất cả dựa trên nền tảng tình yêu. Nói thật, nếu viết về chiến tranh mà chỉ là những trận đánh kinh hoàng và chết chóc thì sẽ không ai đọc cả. Vì vậy, phải có nguyên lý sáng tạo như sau: Viết về đề tài nào cũng được nhưng nếu không có một nền tình yêu chắc chắn thì cuốn sách ấy đổ. Dĩ nhiên tình yêu trong chiến tranh có đặc thù riêng. Trong chiến tranh, tình yêu mạnh hơn bình thường gấp nghìn lần, bởi đó là yêu một lần cho mãi mãi, yêu để chết, thậm chí chưa kịp yêu đã chết.
- Nếu coi tình yêu là một "bảo chứng" cho sức hút của tác phẩm thì tại sao trong tiểu thuyết của anh hầu như mối tình nào cũng phảng phất dư vị buồn và khó đi đến trọn vẹn?
- Hầu hết các nhân vật chính của tôi đều là nữ, nếu cuộc chiến mà thiếu đi bóng dáng người con gái mềm mại thì sẽ trở nên vô nghĩa. Chính dáng dấp người con gái đã đẩy sâu lý tưởng chiến đấu cho những người lính chúng tôi. Một thời con gái đi qua chiến trường, có những sự hy sinh khốc liệt đến không thể tưởng tượng được. Trong tiểu thuyết của tôi, các cô gái cuối cùng đều chết, đó là một thi pháp để gợi ấn tượng. Tuy nhiên, đó là nói vui thôi còn thực ra bản chất của chiến tranh, bản chất của cuộc đời thiên về màu sắc bi tráng. Sự chết đi của nhân vật như một tất yếu. Nhiều người bảo tôi ác, toàn thích cho nhân vật chết nhưng không phải vậy, bản chất của cuộc đời là như thế.
- Điều gì khiến anh thỏa mãn nhất khi cầm bút viết về chiến tranh?
- Là được đi đến tận cùng, bước vào chiến tranh, con người ta bộc lộ tất cả tính cách, chiến tranh giống như một loại dung dịch đặc biệt khiến cho tất cả những gì chạm tới đều phải lên hết màu, hết nét, từ sự giả dối thấp hèn đến sự cao thượng, thánh thiện. Chính vì thế, trong chiến tranh, các số phận nhân vật có quyền đẩy lên tận cùng của mọi buồn vui.
(Theo Thanh Niên)