- Chào chú Chu Lai. Cháu rất thích cuốn "Ăn mày dĩ vãng" của chú. Chú từng tham gia chiến tranh chưa mà viết hay quá, xúc động quá? Đọc tác phẩm của chú cháu cũng hiểu thêm về chiến tranh và nhiều điều trong cuộc sống. Chúc chú luôn gặp nhiều may mắn và viết được nhiều tác phẩm hay để tuổi trẻ chúng cháu học hỏi thêm nhé. (Nguyen Thi Quynh Tram, 20 tuổi, Chuongtram@s5.Dion.Ne.Jp)
- Chào cháu thân yêu! Chú tham gia chiến tranh vào ngày phải 40 năm sau cháu mới ra đời. Một tác phẩm sặc sụa mùi chiến tranh như Ăn mày dĩ vãng mà tuổi 20 của cháu thích được, bản thân chú cũng lấy làm lạ. Chỉ có điều, chính chú cũng chưa hiểu hết về chiến tranh. Thế còn may mắn như lời chúc của cháu, xin lỗi, một người cầm bút bao giờ cũng rủi nhiều hơn may. Chú chẳng dám nhận đâu.
- Chú cho cháu hỏi chú có mấy người con và có ai theo nghiệp viết lách không ạ? (Mai Trang, 22 tuổi, Trangmeo@yahoo.Com)
- Cứ mỗi lần ra công chúng là chú lại bị lột trần về những câu hỏi về con cái, vợ chồng, trong khi gã đàn ông nào cũng muốn sống giữa đời với tư cách một mình trần trụi để còn... mênh mông. Tuy nhiên, chú cũng phải nói chú có một đứa con trai duy nhất. Bộ đội. Vậy là bố bộ đội, mẹ bộ đội, con bộ đội, quân phục treo đầy nhà, mũ mãng xếp cả đống. Bỗng thành một tổ tâm giao ba người có thể đánh phá được một đồn địch và cũng có thể đánh nát chính mình.
Văn ư? Cái nghề khổ nghề đau này cho con cái dính vào làm gì. Cho nên nếu thằng bé 25 tuổi mọc lên một cái mầm văn chương nào thì chú sẽ bẻ cho ứ nhựa cái mầm văn chương đó. Thế rồi nó vẫn cứ làm văn và bây giờ là phóng viên báo Quân đội. Nó học tình báo quân đội, học xong rồi thì ông bố ngắt cái "tình" đi chỉ còn "báo" thôi. Nố giống bố nó cứ nhìn thấy cái đẹp là "rung" lên thì còn tình báo cái nỗi gì.
- Nhà văn cho rằng ảnh hưởng của đồng tiền và danh vọng đến văn chương của chúng ta hiện nay như thế nào? Xin cảm ơn nhà văn. (Phương Xa, 23 tuổi, Chorau@yahoo.Com)
- Ảnh hưởng khủng khiếp, dữ dội, sâu sắc. Ông bà đã nói: "Cơm áo chẳng đùa với khách thơ". Còn tôi thì nói "Văn sĩ không thể mãi cúi đầu làm kẻ hàn sĩ". Tức là có thực mới vực được đạo. Nghèo là hèn nhưng giàu còn khốn khổ hơn. Cho nên, đủ sống để ngồi vào bàn là tuyệt nhất, thanh thản nhất.
Sự tác động của đồng tiền và danh vọng vào văn chương là câu chuyện của một thời và muôn thời. Kể cả hôm nay, trong cơ chế thị trường ngang ngửa, đồng tiền càng có sức nặng u ám của nó. Tiền sinh ra danh. Danh đáp lại tiền. Đôi tình nhân tanh tưởi này cứ cầm tay nhau đi suốt cuộc hành trình. Nó ám vào từng trang viết, từng lối nghĩ suy. Để thoát khỏi nó, người cầm bút phải tạo cho mình 13 thành công lực, tức là Kungfu, tức là chưởng phong phải réo vù vù mới xua được nó. Nói dễ làm khó, cứ chờ đợi.
- Chào anh Chu Lai, em là người sống cùng phố với anh và là "Nữ hoàng áo đen" như anh từng gọi. Bây giờ em đang ở nước ngoài nên không đọc được tác phẩm của anh. Mong anh nói đôi chút về những gì mới viết và chuẩn bị viết. Chúc anh sức khoẻ và hạnh phúc. (Nguyen Binh Ngoc, 34 tuổi, Binhngoc@yahoo.Com)
- Chào "Nữ hoàng áo đen". Tôi không nhớ rõ hình ảnh em nhưng cái màu đen ấy, cái màu đen của khu phố Nhà Binh ấy còn ám vào tôi đến tận bây giờ đến nỗi ngay bây giờ tôi cũng đang mặc đồ đen. Mười năm cầm súng thần kinh quá tải, 30 năm cầm bút lần thứ hai quá tải. Mệt mỏi kiệt sức rồi. Muốn gác kiếm rửa tay rồi. Câu hỏi của em lại thúc vào sự lười nhác ấy. Vừa viết xong một cặp ba: tiểu thuyết, thâm canh tiếp sang kịch, phim vào đúng ngày 30/4. Nổ một phát súng chả có tiếng vang gì nhưng dù sao cũng nổ.
Trước mắt, coi như thoát nợ, nghỉ ngơi, tha thẩn, chờ mát trời đổ xăng, nhét ít tiền vào túi làm một cuộc xuyên Việt âm thầm để thoả mãn cái cảm hứng lãng du, thư giãn, thả lỏng. Sau đó viết nữa hay không thì lại do cái gì đó rất mơ hồ chưa thể trả lời em được. Khi đó, biết đâu một lời hích của "Nữ hoàng áo đen" lại đẩy tôi ngồi được vào bàn.
- Chào chú Chu Lai. Chú nghĩ sao nếu một người trẻ tuổi như cháu không biết nhiều về chiến tranh và nhà văn Chu Lai? (Tùng, 25 tuổi, Hà nội)
- Tốt! Biết nhiều là già nhanh đấy cháu ạ.
- Chào anh Chu Lai. Tôi từng xem anh trả lời trực tiếp trên TV, tôi thấy anh kể truyện cũng rất hóm hỉnh và rất "nhà văn", nhưng đã bao giờ anh được nghe một người nào đó hoặc tự bản thân anh thấy anh hơi quá trong các câu truyện của mình? Ý tôi là nhiều lúc tôi thấy anh hơi nói phét... (Hung, 28 tuổi, Hà Nội)
- Quá nói phét. Nói phét như thật. Nói phét đến nỗi bạn phải hỏi lại. Như vậy là tôi thành công.
- Cháu chào chú Chu Lai. Cháu đã đọc tiểu thuyết "Phố" của chú, và cháu thật sự bị ấn tượng bởi tính cách của nhân vật Lãm. Chú cho cháu hỏi, nhân vật đó chú có lấy hình mẫu ở ngoài đời thực không? Nếu có, thì bây giờ Lãm và vợ con sống như thế nào? Cháu cám ơn chú. (Dũng, 26 tuổi, Hà Nội)
- Lãm chính là chú đấy. Nói đùa thôi. Hình như chú nhớ cậu này toàn đánh vợ bằng mía và đánh toàn vào phần mềm, nghe bình bịch rất ghê mà chẳng đau gì, như biểu diễn tư thế đàn ông của mình. Nếu nhân vật này có thật thì cần gì đến chú nữa, chỉ cần một anh nhiếp ảnh, bấm nhoay nhoáy là thành tiểu thuyết. Tóm lại, phố Nhà Binh của chú có một đôi vợ chồng sống ở vỉa hè thật, đánh nhau thật, đẻ con thật. Thế là chú tưởng tượng nó lên thành Lãm. Còn bây giờ có thể nó lại đánh nhau ở chỗ nào đó, chú không biết, chứ chắc là chả trở thành một nhà doanh nghiệp như trong tác phẩm đâu.
- Truyện của chú theo cảm nhận của cháu là quá nhiều tâm huyết và cảm xúc, nhưng cái kết dường như theo một môtíp định trước. Chú có sợ độc giả đoán trước kết cục theo kiểu: "Truyện của Chu Lai bao giờ cũng có một tình yêu mãnh liệt tưởng như không gì chia rời được nhưng cái tình yêu đó rồi cũng sẽ đổ vỡ vì cuộc đời đen bạc..." không ạ? Cháu chúc chú mạnh khỏe để có thêm nhiều tác phẩm, nhiều đứa con tinh thần nữa. (Tan Nguyen, 18 tuổi, Ha noi)
- Một câu hỏi rất hay, nghe mà giật mình. Tức là nó chạm đến bệnh nặng nhất của anh nhà văn, đó là bệnh giẫm vào bóng mình. Cái gì lên đến đỉnh rồi chẳng phải đi xuống. Hạnh phúc lên đến chót cùng thì phải đổ vỡ. Âu cũng là lẽ đời. Có điều này: tất cả các nhân vật chính của chú đều là phụ nữ, ai cũng đẹp cả trong lẫn ngoài, và cuối cùng đều chết hết. Có lẽ cái đẹp không thuộc sở hữu của mình, cứ đứng ngoài mình, điên lắm, cho chết quách cho rồi.
- Chào nhà văn Chu Lai. Ông là nhà văn của chiến tranh, ông viết nhiều về chiến tranh và trong các cuộc nói chuyện ông cũng thường hay nhắc tới quá khứ chiến tranh. Tôi rất thích tên Chu Lai, tên một căn cứ quân sự ở miền Nam. Vậy bút danh Chu Lai có liên quan gì đến nghiệp binh mà ông từng trải qua? (Đoàn Văn Chung, 24 tuổi, Phúc Thọ - Hà Tây)
- Rất tiếc là không. Tên khai sinh là Chu Ân Lai, tên một ông thủ tướng Trung Hoa. Đi học, bạn bè chế, ngượng, đổi thành Chu Văn Lai. Đi bộ đội, gọi tắt là Chu Lai cho tiện. Nó giống như một phát đạn bắn đôi. Sau này, tên Chu Lai là trùng tên một căn cứ quân sự ở Quảng Nam và khu chế xuất bây giờ. Đến nỗi tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng thỉnh thoảng lại gửi thư chúc tết, tưởng tôi là đồng hương. Tôi ngậm miệng ăn tiền, không cải chính. Mình cải chính thì họ ngượng, mình cũng ngượng. Giống như: "Chào anh Chu Lai. Tranh của anh vẽ hay quá!". Tốt nhất là mình im mồm.
- Nhà văn hay than vãn họ không sống nổi bằng nghề và thường sống bằng nghề tay trái? Vậy nghề tay trái của nhà văn là gì? (Thanh Hải, 22 tuổi, Haithanh@yahoo.Com)
- Xin lỗi, riêng tôi sống bằng cả hai tay. Phải trái như nhau, sống đàng hoàng. Có một phép thử để xem con người đó có sống đàng hoàng về tài chính không, chỉ cần đưa cho anh ta một thiếp mời cưới ăn tại Tháp Hà Nội chẳng hạn, anh ta cười: "Chuyện vặt", thế là ổn. Còn nhăn quắt mặt lại, nhăn tiếp cả tuần như kẻ đau bao tử kinh niên thì không ổn. Lạy trời, tôi ở trường hợp thứ nhất.
- Văn học VN dường như chưa quan tâm đến việc tiếp thị tác phẩm của mình với độc giả. Mỗi khi xuất bản một tác phẩm, chú có áp dụng phương thức maketing nào không ạ? (Thanh Hoa, 26 tuổi, Boringone@yahoo.Com)
- Đó là điều đau đớn, bất khả kháng. Gần đây, Chào buổi sáng của truyền hình có mục "Mỗi ngày một cuốn sách", nhưng lại không phải là tiếp thị, còn một nhà văn tự đi tiếp thị sách của mình bằng nói chuyện, bằng báo chí thì vô duyên lắm. Tốt nhất lại thở dài, ngáp một cái và nói lại cái điều ngàn năm: "Thôi thì hữu xạ tự nhiên hương".
- Thưa chú, ở lứa tuổi của chú, điều gì khiến chú mong muốn nhất? (Huyền Trang, 24 tuổi, Huyentrang8103@yahoo.Com)
- Tôi đang chịu một bi kịch khi từng ngày hình hài đang phản bội trái tim, hình hài thì ọp ẹp mà trái tim vẫn khao khát yêu thương (tất nhiên có cả yêu đương). Chính thế, đã đến lúc viết từ từ thôi, viết ít thôi, 30 năm qua viết như điên như loạn mà chưa ra tấm ra món cái gì, thế là vừa rồi. Bây giờ, chẳng biết chất độc da cam oánh vào cơ thể lúc nào (bạn bè, đồng nghiệp cùng trong cánh rừng chiến khu D ấy đi gần hết rồi: Nguyễn Trọng Oánh, Phùng Khắc Bắc, Thái Vượng...), rồi cũng phải đến lượt mình. Thường nói, chiến tranh xong sống ngày nào lãi ngày đó, còn thằng nào được thằng đó. Bây giờ lãi tới 30 năm rồi còn muốn gì nữa. Cho nên, ở đời ăn nhau cái chữ "nhàn".
- Anh thấy tâm đắc với tác phẩm nào của mình nhất? (Pham Van Thang, 60 tuổi, 27 Ly Thai To)
- Giống như hỏi một người mẹ: "Bà yêu đứa con nào nhất?". Người mẹ sẽ không thể trả lời. Nhưng có lẽ, đứa con nào làm người mẹ khổ đau, vất vả nhất thì mẹ sẽ nhớ nhất (không hẳn là những đứa con thành đạt). Tôi cũng vậy. Mỗi đứa con mỗi màu mỗi vẻ nhưng cái đứa bé được sinh ra trong một giai đoạn đời nhọc nhằn nhất của thằng bố là tôi, cuốn Ăn mày dĩ vãng, có lẽ tôi thương nó nhất. Vì nó là chính tôi.
- Thưa nhà văn Chu Lai, có lần nghe ông nói: "Ở ngoài đời sắc sảo thì trong văn chương thường hay ngu ngốc và ngược lại". Tuy nhiên, tôi thấy ông sắc sảo cả ngoài đời cũng như trong văn chương. Cá tính mạnh mẽ của ông ngoài đời cũng như trong tác phẩm phải chăng là đặc trưng của người sĩ quan quân đội cầm bút? Nếu không còn khoác áo lính, cái sắc sảo đó có còn mãi trong ông nữa không? (Phan Trung Can, 47 tuổi, Binh Thuan)
- Xin lỗi, nhầm lắm bạn ơi. Tính cách của một con người không mấy khi phụ thuộc vào nghề nghiệp con người đó. Thậm chí còn ngược lại. Cuộc đời trận mạc tạo nên sức chịu đựng chứ không tạo nên sự sắc sảo hay mạnh mẽ. Tất nhiên có cá biệt. Tôi chẳng hạn. Hoàn toàn đúng: cuộc đời bao giờ cũng có luật bù trừ, được cái này mất cái kia. Ông trời chẳng cho ai cả cái gì bao giờ, nhất là trong sáng tạo: Nói nhiều sẽ viết ít, nói hay sẽ viết dở. Ở ngoài càng láu lỉnh bao nhiêu, trong văn càng đuỗn đệt bấy nhiêu và ngược lại. Còn tôi, vừa cái này vừa cái nọ cho nên trong văn cũng vừa cái nọ vừa cái này. Nó giống như miếng thịt ba rọi, hay vùng nước lợ nuôi tôm sú ngoài biển. Thôi, nó cũng là cái tạng, cuối đời rồi chẳng sửa được nữa.
- Chào nhà văn Chu Lai, anh cho em hỏi mái tóc của anh là xoăn tự nhiên hay anh làm nó xoăn như thế? Anh có bao giờ cảm thấy may rủi trong cuộc sống mà do mái tóc của mình không? (Cao Minh, 29 tuổi, Hanoi)
- Một câu hỏi khiến tôi đau đớn. Một thằng đàn ông mặt mũi như tôi mà chui vào tiệm làm đầu thì còn ra gì? Tóm lại, xoăn tự nhiên, đẻ ra đã xoăn. Càng sống càng xoăn. Vào chiến trường, thiếu chất, tóc duỗi ra. Hết chiến tranh, đủ chất, lại xoăn trở lại. Có một lý do, bây giờ tôi mới bật mí: Ít nhất tôi cũng đã có nhiều ngày được cùng nằm hầm mật với các cô gái Nam Bộ, nằm chật ních, nằm tráo trở đầu đuôi, nằm chỉ có hai người. Khi ấy, thân nhiệt của phụ nữ không phải ở 37 độ mà nó gấp hàng ngàn hàng triệu lần. Cho nên, tóc tôi không cháy rụi còn là may. Xoăn thế này là đỡ lắm rồi.
- Trong các cuộc giao lưu, chú rất hay nhắc tới lần nằm "ép sát" trong căn hầm chật chội cùng cô du kích, đến nỗi nghe các tiếng tim đập, cảm giác được sự phập phồng từ ngực của cô. Rồi cả những chuyện chiến đấu cùng những nữ đặc công trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt... Vợ chú không ghen à? Phải chăng là nhà văn thì tự cho mình quyền được phóng túng khi nói về phụ nữ? (Phuong Quang, Chuot_tui2002@yahoo.Com, 23 tuổi, Hà Nội)
- Ngay cái chuyện vợ chồng tôi sống với nhau đến nay là năm thứ 26 thì nghĩa là vợ tôi không ghen. Cũng có thể không ghen vì không yêu. Ở đời đàn bà họ không yêu mình là bất hạnh, nhưng họ yêu mình còn bất hạnh hơn. Và nếu tôi có một chút gì được phép phóng túng khi nói về phụ nữ, là vì hình ảnh phụ nữ phải được đẩy lên tới tận trời, mãnh liệt, bát ngát. Phóng túng đã ăn thua gì. Hơn thế vợ tôi bà ấy cũng là một cô bộ đội rừng xanh, cũng là một người viết văn cho nên cái sự phóng túng của tôi được thể tất. Cũng như tôi thường nói: Người chồng vĩ đại nhất là người biết làm con của vợ mình để vợ mình tha cho mình mọi khuyết tật. Đối với vợ nói riêng và đàn bà nói chung, không bao giờ nên giao chiến mà chỉ nên thua tuyệt đối hay thắng tuyệt đối. Thua thì tốt hơn.
- Vợ anh có phải là người anh yêu nhất hay không? (Diep, 30 tuổi, Caugiay)
- Không ai có thể trả lời được. Nói có, thì vô duyên. Nói không, thì đói bụng. Tốt nhất là nên im lặng. Tuy vậy, vợ trong nhà là có một biên tập viên văn học trong nhà. Thường viết xong một cái gì đó, nó mệt mỏi và mụ mị, chẳng biết hay hay dở. Tốt nhất là quẳng cho vợ đọc. Nếu hay, thì vợ trao đổi ngay. Nếu dở, vợ im lặng đi nằm. Thế là chết rồi. Đừng có gặng mà lắm chuyện.
Bật mí nhé: Cuốn tiểu thuyết đầu tay Nắng đồng bằng viết tại Đà Lạt sau chiến tranh. Khi đó, đang yêu. Và một khi cảm xúc ứ đầy, tình yêu cũng ứ đầy thì đẩy tiến độ văn chương đi nhanh không tưởng tượng được. Cứ một ngày một chương. Một tháng xong cuốn sách 500 trang. Chỉ với lý do đơn giản: Xong một chương mới có cớ lên gặp người yêu đêm hôm đó. Mà Đà Lạt lạnh buốt, không yêu thì cắn lưỡi mà chết. Cô ấy biên tập từng chương và cuối cùng và biên tập cả cuộc đời. Khốn khổ.
- Thưa ông Chu Lai, tôi vừa đọc những câu hỏi của các bạn đọc hâm mộ ông và những câu trả lời của ông với độc giả. Tôi thấy hình như ông quá thoả mãn với các tác phẩm của mình và cũng có phần hơi coi thường bạn đọc trẻ. So với một số nhà văn chuyên viết về chiến tranh hiện nay sống ở Việt Nam, ông tự cảm nhận mình như thế nào? (Nguyễn Việt Hà, 45 tuổi, Nhà Chung)
- Nếu được thỏa mãn với tác phẩm của mình, thì tôi đã đạt đến một cái đích tuyệt vời. Nhưng đằng này, rất tiếc là không. Bạn đọc trẻ bao giờ cũng là đối tượng và cảm hứng sáng tạo của tôi. Tất cả các con chữ tôi đều hướng hết về họ. Vậy là họ đứng trên tôi. So với một số nhà văn viết về chiến tranh hiện nay, nói trung thực, tôi thuộc loại trung bình. Cảm ơn bạn đã biết hỏi những câu hỏi thẳng băng như đường đạn.
- Trong số các nhà văn trẻ hiện nay, chú có ấn tượng với ngòi bút của ai không ạ? (Phạm Thuý Hà, 26 tuổi, Hà Nội)
- Có. Đấy là Nguyễn Thị Ngọc Tư, cô gái Cà Mau mà dáng dấp hình hài không có một chút nhà văn nào cả. Ngọc Tư viết những vấn đề gai góc, nhức nhối trong cuộc sống bằng một hơi văn bình dị, duyên dáng, dễ thương, đầy sức truyền cảm. Đó chính là văn học.
- Xin chào nhà văn Chu Lai! Con người là động vật cao cấp thông minh nhất nhưng cũng yếu ớt nhất. Đi mưa sợ ướt, đi làm sợ thất nghiệp, ngỏ lời yêu sợ bị từ chối. Anh suy nghĩ thế nào về điều này? Chúc anh tiếp tục có nhiều sáng tác mới! (Vũ Minh Hằng, 28 tuổi, Hà Nội)
- Bạn suy nghĩ đúng quá rồi. Đến nỗi tôi không còn điều gì để bổ sung nữa. Nếu có, thì chỉ một ý này: chính sự yếu đuối sẽ tạo nên năng lực sáng tạo. Khi nào trái tim hết run rẩy với cuộc đời, với cái đẹp thì cũng là lúc bỏ bút luôn.
- Chào anh. Theo anh hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ không? Trông anh vẫn phong độ lắm. (Lê Phong Quang, 47 tuổi, 30A Bà Triệu Hà Nội)
- Tôi hút thuốc từ năm 16 tuổi khi bắt đầu vào bộ đội. Đến bây giờ vẫn hút. Biết là xấu, rất xấu nhưng không bỏ được. Cảm giác bỏ thì mình cũng bỏ luôn mạch suy tư. Lại hay triết lý dở hơi thế này: "Kiếp người là phù du, đời cho cái khoái gì thì mình nạp thêm cái khoái khác vào", việc gì phải bỏ, đằng nào cũng đi về cõi vĩnh hằng. Nhưng đối với con cái, tôi quyết liệt ngăn cấm để đừng dẫm lại bước chân của bố nó.
- Theo tôi thì trước tiên ông là một người lính, nên tôi muốn hỏi ông: Ông có ý định viết một tác phẩm chỉ kể về quãng đời mà ông từng cho là "một năm chỉ tiến được 1,5 km"? Chúc ông khoẻ và hoàn thành cuộc xuyên Việt bằng xe gắn máy sắp tới. (Alphageekvn, 28 tuổi, Alphageekvn@yahoo.Com)
- Xin lỗi, tôi viết nhiều rồi đấy chứ, hay là viết chưa tới mà bạn chưa thấy được. Làm một chút tiếp thị nhé: Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng... rất rõ về điều này. Bởi vì văn tức là người. Cuối cùng vẫn khắc họa cái tôi của chính anh. Cái tôi trong hai cuốn sách này nó lên tới 90%.
- Nếu được chọn lại, chú có chọn nghề văn nữa không? (Hoàng Minh, 25 tuổi, Hoangducminh@yahoo.Com)
- Không. Vì nghề này là nghề tự ăn óc mình, từ ăn thịt mình. Tôi hay nói đùa, đấy là cái nghề mà mỗi sáng tỉnh dậy, vội lấy một thìa cà phê múc óc mình cho vào mồm nhai nhóp nhép. Bây giờ thèm có một nghề gì làm hết 8 giờ hành chính rồi về nhà ngả lưng xem tivi, xỉa răng cành cạch. Hết tivi, đi ngủ ngon lành.
- Văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc. Anh có ý kiến gì về điều này? (Hoàng Linh, 39 tuổi, Tranhoanglinh124@yahoo.Com)
- Chấp nhận nó tồn tại như một quy luật tất yếu. Bởi vì văn hóa nhìn có sức mạnh khủng khiếp thật. Trong khi đó, cầm một cuốn sách lên đòi hỏi người ta phải đắm chìm vào với nó, khổ đau, trăn trở tư duy cùng nó. Trong khi cuộc đời này đã có quá nhiều trăn trở rồi. Cho nên người ta buộc phải tìm đến một chủng loại nhẹ nhõm hơn. Nhưng tôi tin rằng văn hóa đọc sẽ hồi sinh, bởi không có thứ cộng hưởng nào đem lại cảm xúc sâu thẳm và mãnh liệt như "Sáng nay cô gái ấy nằm trong chăn ấm, âm thầm đọc tiểu thuyết của ai"?
- Cảm ơn anh Chu Lai đã có buổi trò chuyện với độc giả. Anh cảm thấy cuộc phỏng vấn hôm nay như thế nào? (Triều Nam, 33 tuổi, TP HCM)
- Rất dễ chịu. Dễ chịu đến nỗi muốn được nói thêm vài chục câu nữa. Dễ chịu ngay từ khi mới bước vào toà soạn. Chao ơi, sao mà lại nhiều nhan sắc thế này. Nhiều nụ cười đến thế này. Và cũng nhiều độ tin cậy thế này. Xin cảm ơn tất cả các bạn yêu tôi, ghét tôi và đã hỏi tôi. Xin hẹn tái ngộ. Còn nhiều điều ẩn khuất sẽ xin được tâm sự về sau.