- Một cái Tết bình thường của nhà văn diễn ra như thế nào?
- Đã 32 năm nay, Tết nào tôi cũng ngồi ở Hà Nội. Tôi đã ngán lắm rồi những cái bắt tay giống nhau, những lời chúc Tết sáo rỗng như nhau, những thủ tục, nghi lễ nặng nề và mệt mỏi. Tôi thường leo lên tầng 3, thò tay ra ngoài khóa cửa lại để tận hưởng cảm giác yên bình. Nói chung, những ngày Tết đến, điều tôi sợ nhất là nghi thức và những điều lặp đi lặp lại đến nhàm chán.
- Vậy ông có dự định gì mới cho Tết năm nay?
- Năm nay, tôi sẽ đón Tết một mình. Tôi đã quyết định bỏ Hà Nội lại sau lưng, lãng du lên Tây Nguyên, thăm thú nơi này nơi kia, lặng lẽ “ăn mày dĩ vãng”. Tôi du hành như một khách du lịch, ăn cơm bụi, ở nhà nghỉ bình dân và thoải mái ngắm nghía thiên nhiên, con người. Biết đâu trong những ngày “cô đơn” này, tôi lại nghĩ được cái gì đó để viết. Nhưng tất nhiên, đây chủ yếu vẫn là chuyến đi thư giãn, tôi tự tách mình khỏi những ồn ào phố xá suốt nhiều năm qua. Thực tình, tôi định lãng du một cách lặng lẽ, không thông báo, nhắn nhe gì cho bạn bè, chiến hữu hay độc giả. Nhưng mình cũng đã là một cái tên được nhiều người biết đến. Đi đến đâu cũng sẽ có độc giả nhận ra. Dù vậy, tôi sẽ cố gắng tạo cho mình những khoảng thời gian yên bình nhất. Nhà văn Chu Lai. Ảnh: A.T.
- Lịch trình cụ thể của ông như thế nào?
- Tôi sẽ khởi hành ngày 27 Tết, lên Buôn Mê Thuột rồi từ đó thăm thú Gia Lai, Kon Tum, Đà Lạt… Nhưng mà đây là một cái lịch trình mở, tôi sẽ đi theo ngẫu hứng. Bước chân đưa mình đến đâu thì mình đi đến đó. Nhưng vào đêm giao thừa, tôi sẽ nằm khểnh tại khách sạn, xem truyền hình, nhìn Hà Nội từ một khoảng cách rất xa. Năm nay, cũng có nhiều báo đài mời tôi gặp gỡ, nói chuyện đêm giao thừa. Nhưng năm nay tôi chỉ bắt tay mình thôi. Khi thiên hạ đón Tết xong tôi sẽ về Hà Nội.
- Bà nhà nghĩ sao về dự định lãng du một mình của ông?
- Tôi đã trình bày rõ kế hoạch này với nhà tôi và được bà cho phép. Thực ra, tôi đã có dự định này từ lâu nhưng chưa thực hiện được vì những năm trước, cậu con trai còn đi học, tôi phải ở nhà với bà ấy. Còn bây giờ, con trai đã lấy vợ. Tôi giao lại cho nó tất cả công việc thuộc về nghi lễ đối ngoại đối nội. Bà ấy thì đã có con dâu để vào ra thủ thỉ. Tôi không thấy vướng bận gì cả.
Còn chuyện bà ấy có lo lắng không thì (cười)… Tôi có khá nhiều độc giả là nữ giới, nhận được nhiều thư từ bày tỏ sự yêu quý, hâm mộ. Nhưng là vì họ yêu văn tôi, yêu những trang tôi viết về phụ nữ. Còn chuyện vợ chồng, chừng ấy năm sống với nhau, bà ấy đã hiểu tôi quá rồi. Tôi đi một mình đúng nghĩa đấy.
- Có nhiều cách để thưởng thức Tết một mình. Tại sao ông lại chọn cách “đi”?
- Tôi quan niệm đi nhiều mới phong lưu. Cuộc đời tôi là những chuyến đi dài. Thời trẻ, tôi đi chiến đấu. Hết chiến tranh, tôi cầm bút, đi vào cuộc đời, đến với nhân dân. Còn khi đã ngoài 60, tôi đi cho riêng mình, đi để thư giãn. Năm vừa rồi, tôi đi rất nhiều. Cũng phải trả giá. Đấy là lần ngao du sơn thủy về thì phát hiện nhà mình đã bị kẻ cắp cuỗm sạch. Đúng là ngày xưa mình “đặc công” kẻ thù thì bây giờ bị kẻ thù "đặc công" lại, mà "bị" hơi nặng. Nhưng chuyện được mất như “Tái Ông thất mã”, biết may rủi thế nào.
Hơn nữa, nhân chuyến đi này, tôi cũng muốn khảo sát xem sức khỏe của mình dạo này ra sao, xem tim gan phổi như thế nào. Những thứ đã âm thầm ngấm vào mình trong chiến tranh giờ đã đến lúc phát tán. Tôi không biết đây có phải là chuyến đi cuối cùng, nếu không kể đến những cuộc đi bộ vòng quanh Bờ Hồ, trước khi đi thẳng xuống Văn Điển hay không?
Hà Linh thực hiện