- "Phố" của nhà văn đã “du hành” sang Pháp như thế nào?
![]() |
Nhà văn Chu Lai. Ảnh: A.T. |
- Vào một ngày năm 2002, tôi nhận được điện thoại của một phụ nữ người Pháp nói tiếng Việt lơ lớ không dấu. Người phụ nữ này cho biết, cô từ Paris mới sang và xin được gặp nhà văn Chu Lai. Khi gặp nhau, cô kể: “Bố tôi là giáo sư Alain Clanet. Ông từng ở Việt Nam 25 năm và rất yêu đất nước này. Sau khi về Pháp, ông vẫn thường nhớ tới đất nước các ông. Gần đây, một cô cháu họ đi du lịch ở Việt Nam tình cờ mang về cuốn Phố. Bố tôi đọc, rất thích và đã dịch cuốn sách sang tiếng Pháp”.
Vì lý do đó, cô gái tìm đến tôi để xin phép được xuất bản cuốn sách tại Pháp. Tất nhiên là tôi cảm thấy rất hạnh phúc và sung sướng, vì khác với cách “xuất ngoại” của các tác phẩm tiếng Việt khác, sách của tôi được một người Pháp yêu thích và chọn dịch một cách tự nhiên mà không cần phải có bất cứ tác động nào.
- Vậy việc ký kết hợp đồng giữa ông và NXB được tiến hành ra sao?
- Mấy tháng sau, tôi nhận được bản hợp đồng dài… 14 trang bằng tiếng Pháp của NXB L'Aube. Trong đời văn của mình, tôi chưa từng thấy một bản hợp đồng nào chi tiết, công phu và ghê gớm đến vậy. Vừa thán phục, vừa cảm thấy choáng vì cách làm việc nghiêm túc của đối tác, tôi đã phải “cậy” đến bố mình là nhà văn Học Phi dịch hộ bản hợp đồng. Theo đó, tôi sẽ nhận được 500 euro tiền tạm ứng. Còn tiền bản quyền tính theo số lượng bản in, phát hành cuốn sách thì tôi sẽ nhận được sau khi sách được bán ra.
Nhưng bẵng đi một thời gian, tôi chắng thấy tăm hơi cả tiền bản quyền lẫn tạm ứng.
![]() |
Trang bìa cuốn "Rue des soldats" bằng tiếng Pháp. (Amazon.fr) |
- Vậy làm sao ông biết sách của mình đã được xuất bản tại Pháp?
- Năm 2004, tôi có việc qua Pháp một ngày và tình cờ nhìn thấy sách của mình được bày bán tại một hiệu sách ở Paris. Sách được in đẹp, trình bày rất công phu. Tựa đề Phố được chuyển dịch thành Rue des soldats (Phố lính). Thú thực, lúc đó tôi cảm thấy rất tự hào và hãnh diện vì đứa con tinh thần của mình chễm chệ trên các gian hàng lớn tại thủ đô nước Pháp. Nhưng khi sự bất ngờ và niềm vui tạm lắng xuống, tôi sực nhớ đến cái bản hợp đồng dài 14 trang kia. Tôi liền gọi điện cho dịch giả Alain Clanet. Ông đến ngay và mang theo cho tôi một… cuốn sách. Clanet rất ngạc nhiên khi biết tôi chưa hề nhận được khoản tiền nào. Ông bảo tôi nên mở tài khoản ngay sau khi về nước để nhận tiền từ NXB. Vốn là dân nhà binh, tôi đâu biết gì về các loại tài khoản ngoại tệ. Sau một tuần chạy đôn chạy đáo, bị hành lên hành xuống với đủ loại giấy tờ, tôi cũng mở xong tài khoản. Một năm sau đó, tôi nhận được khoản tiền tạm ứng 500 euro nhưng trừ ngược, trừ xuôi cũng chỉ còn lại 420 euro.
Theo tôi được biết, L'Aube đã xuất bản cuốn sách của tôi dạng khổ to và sau đó tiếp tục phát hành khổ nhỏ (dạng bỏ túi), nhưng vấn đề thanh toán tiền bản quyền thì đến nay vẫn “bặt âm vô tín”.
- Ông dự định làm gì để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình?
- Tôi không định khởi kiện. Tôi vốn không quen với chuyện kiện cáo. Nếu họ trả thì tất nhiên mình cảm thấy vui, còn nếu họ không trả, mình cũng đành chịu. Tiền bạc không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng tôi lấy làm buồn và cảm thấy bị xúc phạm vì sự thiếu đứng đắn của NXB L'Aube. Thà họ nói sách của tôi không được bán, thà họ nói tiền bản quyền được sử dụng để quyên góp cho một quỹ từ thiện nào đó, như quỹ hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài chẳng hạn thì đã là một nhẽ, đằng này…
Cô Minh Nguyệt - nhân viên văn hóa tại Đại sứ quán Pháp - đã không dưới 5 lần liên hệ với L'Aube, dịch giả Alain Clanet cũng đã nhiều lần tác động, vậy mà NXB vẫn giữ thái độ im lặng. Điều này tất nhiên đã ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh nước Pháp và văn hóa Pháp trong lòng tôi.
Hiện tại, cuốn Ăn mày dĩ vãng của tôi cũng đã được Clanet dịch sang tiếng Pháp. Tôi sẽ gửi nó cho một NXB khác. Hy vọng nó không gặp phải số phận như Phố.
- Ông nghĩ sao về việc nhờ đến một tổ chức bảo vệ bản quyền tại Việt Nam can thiệp?
- Thú thật tôi cũng chưa biết phải liên hệ với tố chức nào ở Việt Nam để giải quyết vấn đề này. Tôi hy vọng từ câu chuyện của tôi, các tác giả khác sẽ thận trọng hơn trong việc giao dịch bản quyền với các NXB.
Hà Linh thực hiện