Hà Linh
Rushdie và Saviano được Viện Hàn lâm Thụy Điển mời tham dự hội thảo Free Speech and Lawless Violence (Tự do ngôn luận và tình trạng bạo lực) tại Stockholm hôm 25/11. Hai nhà văn tìm thấy mối đồng cảm khi đều cùng đối diện với cái chết vì những trang viết của mình. Rushdie từng sống trong sợ hãi suốt gần 20 năm trời. Sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Sa tăng, ông bị buộc tội phỉ báng Hồi giáo và bị ra phán quyết tử hình. Còn Roberto Saviano là tác giả cuốn Gomorra đã bán được 1,2 triệu bản ở Italy và được dịch ra 42 thứ tiếng. Tác phẩm mô tả chi tiết hoạt động của băng nhóm Camorra tại Naples và các vùng lân cận. Trước những sự thật được phơi bày, băng Camorra đã ra "chỉ thị" trừng phạt nhà văn. Hơn 2 năm nay, anh sống dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát. Sự việc càng trở nên căng thẳng hơn khi gần đây, Camorra tuyên bố sẽ "tính sổ" với Saviano trước Giáng sinh năm nay.
Salman Rushdie động viên đồng nghiệp trẻ. Ảnh: AFP. |
Saviano cho biết, anh rất buồn khi nhiều nhà phê bình cho rằng, anh là kẻ "thích thể hiện", kẻ tìm cách nhấn chìm danh dự của đất nước Italy xuống bùn để bản thân mình trở nên nổi tiếng.
"Tôi thấy tổn thương khi bị miêu tả như một kẻ phỉ báng chính đất nước mình. Ở một phương diện nào đó, những trang viết của tôi cũng tôn vinh góc độ lành mạnh của Italy", Saviano tâm sự.
Gomorra miêu tả một cách chi biết và rùng rợn sự tấn công, phá phách và xâm nhập, chi phối đến mọi mặt đời sống người dân vùng Naples, miền nam Italy của băng Camorra. Bộ phim chuyển thể từ cuốn sách đang được đề cử giải Oscar 2009 ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất.
Tiểu thuyết gia Rushdie cũng chia sẻ cảm giác tương tự. Nhà văn nói, ông cũng đau lòng khi bị các nhà phê bình gọi là "kẻ cơ hội", xúc phạm cộng đồng Hồi giáo để tìm kiếm danh, lợi.
"Tôi nhớ rất rõ là người ta đã đồng loạt kết tội tôi - không chỉ những tín đồ Hồi giáo cực đoan mà cả những xã hội văn minh phương Tây. Thật khó khăn khi đối diện với hoàn cảnh đó, đặc biệt là khi tính mạng của bạn đang bị đe dọa", ông nói.
Hiện tại, Saviano được khuyên nên rời khỏi đất nước Italy để lánh nạn. Nhà văn Salman Rushdie cũng tán thành ý kiến này. "Đó không phải là ý tồi. Tôi không biết Camorra có thể vươn chiếc vòi bạch tuộc của mình đến đâu, nhưng tôi không tin chúng có thể lũng đoạn mọi ngóc ngách trên thế giới", nhà văn khẳng đinh.
Để đảm bảo an toàn cho hai nhà văn, Ban tổ chức đã thắt chặt an ninh của buổi hội thảo. Ít nhất 10 vệ sĩ đã được huy động để bảo vệ Rushdie và Saviano. Cảnh sát Thụy Điển cũng trang bị thêm lực lượng và phương tiện để ứng biến với các tình huống xấu xảy ra.
"Chúng tôi đã thảo luận với nhà tổ chức về việc đảm bảo an ninh cho buổi hội thảo. Cảnh sát sẽ theo sát mỗi chuyển động của các nhà văn", Ulf Göranzon - đại diện của sở cảnh sát phát biểu.
Tiểu thuyết gia người Italy sẽ ở lại Thụy Điển một thời gian nữa để dự lễ công chiếu bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của ông trong khuôn khổ Liên hoan phim Stockholm.
(Nguồn: AFP)